Có tới 100 tàu chở dầu chở khoảng 56 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu đã buộc phải chuyển hướng khỏi Biển Đỏ kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu ở đó bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Các tàu chuyên chở 56 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu này sẽ mất nhiều thời gian vận chuyển hơn bình thường từ hai tuần đến hơn một tháng để đến được nơi cần đến. Và việc định tuyến lại các chuyến hàng như vậy sẽ không sớm kết thúc.
Dòng dầu từ Trung Đông đến châu Âu đã giảm gần 50% kể từ khi bất ổn địa chính trị tại khu vực này "nóng lên," bởi để tới châu Âu thì tuyến đường Biển Đỏ đóng vai trò là cửa ngõ ngắn nhất cho các chuyến hàng từ châu Á.
Hiện tuyến đường này đã bị đóng cửa đối với các tàu phương Tây, và các nhà phân tích tin rằng châu Âu sắp phải hứng chịu một số thiệt hại về dầu mỏ.
Chuyên gia Johnathan Lamb từ ngân hàng đầu tư Wood cho biết: “Châu Á vẫn có thể mua dầu thô, các chế phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên như thường lệ. Mỹ không mua nhiều từ Trung Đông. Vì vậy, căng thẳng hiện tại ở Biển Đỏ thực sự có tác động đến người châu Âu.”
Ông Lamb nói thêm: “Các cung đường vận chuyển nhiên liệu của họ hiện đã dài hơn rất nhiều so với trước kia, khi có thể đi qua kênh đào Suez. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức trong việc vận chuyển.”
Quả thực, sự gián đoạn giao thông ở Biển Đỏ đã làm hầu hết các ngành nghề ở châu Âu đau đầu. Đầu tháng này, hai nhà sản xuất ôtô là Tesla và Volvo Cars thông báo họ sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất tại hai nhà máy do thiếu linh kiện bởi căng thẳng tại Biển Đỏ.
Trong khi đó, ba nhà bán lẻ ở Anh cảnh báo rằng giá cuối cùng cho các sản phẩm của họ có thể tăng cao hơn do việc định tuyến lại các tàu quanh Mũi Hảo Vọng. Đây có thể chỉ là khởi đầu vì trái với mong đợi của một số nhà phân tích, tình hình không có dấu hiệu thay đổi theo hướng tốt hơn.
Đội quân của Mỹ đang bắn vào các mục tiêu ở Yemen nhằm hạn chế khả năng lực lượng Houthi tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu ở Biển Đỏ, nhưng cho đến nay, chưa có kết quả rõ ràng. Ngược lại, lực lượng Houthi gần đây đã lần đầu tiên tấn công một tàu chở dầu, và có lẽ đó sẽ không phải là đợt tấn công cuối cùng.
Hiện tại, giá dầu chưa thực sự phản ánh sự gián đoạn nguồn cung trong dòng dầu ở Trung Đông. Lý do không chỉ vì các nhà giao dịch một lần nữa quá tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút, mà còn tác động của sự gián đoạn dưới hình thức nguồn cung bị trì hoãn sẽ có độ trễ.
Tập đoàn Ngân hàng ING Bank cho biết trong một lưu ý gần đây rằng cho đến nay, không có tác động cơ bản nào đến nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông. Họ nói thêm: “Các nhà máy lọc dầu và người tiêu dùng ban đầu có thể phải đối mặt với tình trạng thắt chặt khi chuỗi cung ứng điều chỉnh theo lộ trình dài hơn.”
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo nền kinh tế toàn cầu lên 3,1% trong năm nay, với lý do tốc độ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở Mỹ vào năm 2023 (3,1%) và các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc, khi kinh tế nước này tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa hơn luôn có nghĩa là nhu cầu dầu mạnh hơn và kỳ vọng về nhu cầu dầu mạnh hơn có xu hướng đẩy giá lên cao hơn. Các nhà giao dịch vẫn chưa tính đến toàn bộ tác động của tình hình tại Trung Đông vào "phương trình" dầu mỏ của họ. Khả năng căng thẳng leo thang là đáng kể và nó có thể gây ra sự gián đoạn nguồn cung thực sự.
Ngay cả khi căng thẳng không leo thang, sớm hay muộn, tác động của việc định tuyến lại các tàu chở dầu cũng sẽ ảnh hưởng tới thị trường. Bởi vì việc định tuyến lại đó thực sự làm tốn rất nhiều thời gian cho việc vận chuyển dầu.
Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu của Kpler, nói: “Thị trường đang đánh giá thấp tác động của thời gian vận chuyển”./.
Houthi tấn công tàu chở dầu Marlin Luanda của Anh trên vịnh Aden
Người phát ngôn của Houthi khẳng định lực lượng này đã sử dụng một số tên lửa hải quân đánh trúng tàu chở dầu Marlin Luanda của Anh trên vịnh Aden, khiến con tàu bốc cháy.