Một nhóm nhà khoa học của Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã theo dõi xu hướng tăng giảm của tải lượng virus SARS-CoV-2 trong nước bọt và khoang mũi của người vừa nhiễm virus.
Đây là nghiên cứu đầu tiên theo dõi các trường hợp mắc COVID-19 qua thời gian thông qua việc liên tiếp lấy mẫu và so sánh kết quả bằng cách phương pháp xét nghiệm khác nhau. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nature Microbiology.
Các nhà nghiên cứu đã thu được hình ảnh hoàn chỉnh, phân giải cao cho thấy cách thức virus SARS-CoV-2 nhân lên và phát tán trong thời gian lây nhiễm tự nhiên.
Nghiên cứu đã hé lộ một số góc nhìn liên quan đến tình trạng nhiễm virus mà các nhà khoa học vẫn chưa nắm rõ, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và lĩnh vực sinh học.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm nhân viên, sinh viên và các thành viên trong khoa hai lần/tuần vào mùa Thu năm 2020.
Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng dữ liệu xét nghiệm này có thể là kho báu cung cấp thông tin về quá trình mắc bệnh, ví dụ như biến thể của virus SARS-CoV-2 nhân lên nhanh như thế nào, sự khác biệt trong khả năng phục hồi của mỗi người.
Viện Y tế Quốc gia đã hỗ trợ ngân sách để so sánh các xét nghiệm PCR (khuếch đại một đoạn ADN để phát hiện ARN của virus SARS-CoV-2) với các xét nghiệm nhanh kháng nguyên (có khả năng tìm kiếm các protein liên quan đến virus).
Trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, nhóm đã lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch mũi, nước bọt của những người trưởng thanh mắc COVID-19. Tổng cộng có 60 người tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 19-73 và mỗi người được theo dõi tới 14 ngày.
Một trong các tác giả, Giáo sư vi trùng học Christopher B. Brooke cho biết việc xác định một người mắc bệnh mất bao lâu mới phát tán được virus trong nước bọt hoặc khoang mũi sẽ giúp làm rõ cách thức virus lây lan và tồn tại trong cộng đồng.
Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng xét nghiệm vi sinh để đánh giá khả năng phát tán của virus trong mẫu bệnh phẩm. Tác giả Brooke nhấn mạnh việc phát hiện dấu hiệu của virus qua PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên không đồng nghĩa rằng virus có thể nhân lên và lây nhiễm sang người khác.
Ruian Ke, cộng tác viên tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, đã sử dụng các mô hình toàn học khác nhau để giúp nhóm nghiên cứu làm rõ cách thức dữ liệu này có thể phản ánh qua trình lây nhiễm và xác định những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình nhiễm virus.
[Tin vui dành cho những người gặp các triệu chứng COVID kéo dài]
Nghiên cứu cho thấy một số người đã phát tán virus sống chỉ trong 1-2 ngày, trong khi con số này ở những người khác có thể lên tới 9 ngày. Dựa trên số liệu này, các nhà khoa học kết luận rằng những người có thể phát tán virus trong hơn 1 tuần sẽ có nguy cơ làm lây lan bệnh cao hơn so với những người chỉ phát tán được virus sống trong 1-2 ngày. Đây được xem là một phát hiện quan trọng.
Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng tải lượng virus (có thể phát hiện bằng công nghệ PCR) trong nước bọt đạt đỉnh nhanh hơn so với các mẫu bệnh phẩm từ dịch mũi. Điều này cho thấy nước bọt có thể là khu vực lấy mẫu phẩm hiệu quả nhất để có thể phát hiện sớm việc nhiễm virus.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự khác biệt đáng kể nào về mức độ lây nhiễm của những biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 và biến thể alpha. Điều này đồng nghĩa rằng khả năng lây nhiễm cao hơn của biến thể alpha không thể được giải thích qua tải lượng virus lớn hoặc lâu hết.
Nghiên cứu không phát hiện mối liên hệ ý nghĩa nào giữa triệu chứng của người bệnh với quá trình mắc bệnh. Mặc dù đa phần mọi người đều mặc định rằng những người có nhiều triệu chứng hơn sẽ có nhiều khả năng lây lan virus cao hơn, song điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu vẫn có hạn chế khi tất cả những người tham gia đều không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ và không ai phải nhập viện./.