Tại sao Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa thể kết thúc?

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Gallucci cho rằng cuộc chiến này có thể kết thúc bằng cách này hay cách khác, kết thúc trên thực tế hay trên danh nghĩa, nhưng không thể kết thúc trong 5 năm tới.
Tại sao Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa thể kết thúc? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên trên đảo Ganghwa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin nationalinterest.org, Robert Gallucci - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự, từng dẫn dắt các nỗ lực đàm phán của Mỹ với Triền Tiên với kết quả đạt được là Thỏa thuận Khung năm 1994 - mới đây đã có bài viết bình luận về khả năng kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trong vòng 5 năm tới.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Chiến tranh Triều Tiên có thể kết thúc một cách chính thức, hợp pháp, với một hiệp ước hòa bình thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn đã tồn tại 70 năm qua, hoặc nó có thể kết thúc khi quan hệ thù địch Triều Tiên-Hàn Quốc và Triều Tiên-Mỹ chấm dứt, và không bên nào còn lo ngại rằng chiến tranh có thể nổ ra một lần nữa.

Ông Gallucci cho rằng cuộc chiến này có thể kết thúc bằng cách này hay cách khác, kết thúc trên thực tế hay trên danh nghĩa, nhưng nó sẽ không thể kết thúc trong vòng 5 năm tới.

[Hàn Quốc tổ chức diễn đàn về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên]

Trên thực tế, trong những hoàn cảnh nhất định, hòa bình đạt được trong nhiều thập kỷ qua có thể dễ dàng bị thay thế bằng chiến tranh bất kỳ lúc nào.

Tại sao lại bi quan như vậy? Xét cho cùng, hiện có những dấu hiệu về sự ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Hàn Quốc là một nền dân chủ thịnh vượng và thành công. Triều Tiên vẫn là một quốc gia nghèo và kém phát triển.

Liên Xô đã tan rã, và Trung Quốc đang nổi lên nắm quyền chi phối kinh tế trong khi có sự ổn định chính trị.

Và Mỹ vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương, tích cực xây dựng các quan hệ liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Vậy tại sao một cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai lại có khả năng xảy ra sau khi cuộc chiến đầu tiên kết thúc? Đâu là những nguyên nhân gây bất ổn và tại sao lại Seoul, Bình Nhưỡng và Washington lại lo ngại về một cuộc tấn công bất ngờ?

Tất nhiên, gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ người dân trên Bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ.

Mặc dù cả miền Bắc và miền Nam đều cam kết sẽ thống nhất, nhưng hệ thống chính trị và kinh tế của họ khác biệt tới mức việc thống nhất hai miền một cách hòa bình và thông qua đàm phán chỉ như một truyền thuyết chứ không phải triển vọng thực tế trong ngắn hạn.

Quân đội thường trực của hai nước là bằng chứng rõ ràng cho thấy nỗi lo ngại thực sự về quốc phòng, bởi mỗi bên đều lo sợ bên kia có ý định gây hấn.

Đan xen với lịch sử và năng lực quân sự mà hai miền Triều Tiên đang duy trì là bối cạnh địa chiến lược, vốn phản ánh nhiều thập kỷ đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô và gần đây hơn là cạnh tranh Trung-Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn có xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng không bên nào muốn chứng kiến đồng minh của họ bị lấn át.

Mỹ có thể không theo đuổi chiến lược kiềm chế Trung Quốc, nhưng Washington không muốn bị đẩy ra khỏi khu vực này.

Và Trung Quốc đã thể hiện rằng nước này sẽ chiến đấu để tránh bị mất đi một quốc gia “vùng đệm” ở sát biên giới của mình. Sẽ phải rất thận trọng khi muốn tạo ra thay đổi, cần cân nhắc tới nhiều lợi ích hơn là chỉ lợi ích của Triều Tiên và Hàn Quốc.

Lý do chính yếu dẫn tới căng thẳng hiện nay là việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và khả năng tấn công cả Mỹ và các đồng minh của Washington ở khu vực.

Triều Tiên tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn Mỹ âm mưu thay đổi chế độ ở Triều Tiên.

Từ quan điểm của Washington, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa đặc thù. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể không sợ việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tự sát, và chỉ việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có thể khiến các đồng minh của Mỹ nghi ngờ về khả năng răn đe của Washington cũng như cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.

Trong 30 năm qua, các chính quyền Mỹ liên tiếp đều cho rằng để đạt được hòa bình, thì Mỹ phải bình thường hóa quan hệ kinh tế và chính trị với Triều Tiên nhằm giải quyết mối lo ngại của Bình Nhưỡng về việc sẽ bị thay đổi chế độ và từ đó cho phép nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, nếu bình thường hóa xảy ra, thì trước hết cần một sự thay đổi trong chính sách nhân quyền của Triều Tiên - cách nước này đối xử với người dân của mình - cũng như thực thi phi hạt nhân hóa.

Tiếp sau đó, việc hai miền Triều Tiên nối lại quan hệ hữu nghị sẽ diễn ra một cách tự nhiên và hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.