Theo Reuters, các chuyên gia an ninh hàng hải cho biết nhiều khả năng có chưa tới 4kg chất nổ trong quả bom gắn dưới đáy tàu chở dầu Andrea Victory của Na Uy, gây ra vụ nổ lớn làm hỏng phần đuôi tàu, khi chiếc tàu này đang neo đậu ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 12/5 vừa qua.
Cùng với đó là các vụ tấn công nhằm vào 3 con tàu khác và hai trạm bơm của đường ống dẫn dầu quan trọng ở Saudi Arabia gần đó.
Tuy nhiên, các vụ tấn công này hầu như không có khả năng gây ra thiệt hại lớn hay làm gián đoạn nguồn cung dầu của thế giới.
Mặc dù vậy, đó không phải là mục tiêu của các các vụ tấn công nói trên - vốn bị Mỹ và nhiều nước khác cáo buộc do Iran và các đồng minh của nước này gây ra.
Thay vào đó, các cuộc tấn công này dường như là một lời cảnh báo, thể hiện rằng Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của mình có thể gây ra hỗn loạn tới mức nào nếu căng thẳng với Washington và các đối thủ trong khu vực dâng cao và biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.
Cuộc đối đầu này cho thấy những luật lệ của đối đầu quốc tế ngày càng trở nên mơ hồ, trong đó ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng sử dụng các hành động có thể dễ dàng chối bỏ và công nghệ đang phát triển để tấn công và gây ảnh hưởng tới kẻ thù.
Đây là cách tiếp cận mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump - giống như chính quyền trước đây của cựu Tổng thống Barack Obama - đang tìm kiếm các chiến lược để đối phó.
Những kẻ thù
Như với Triều Tiên trong năm 2017, Tổng thống Mỹ và một số nhân vật xung quanh ông - đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - rất muốn sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ để gây đe dọa nhằm buộc các kẻ thù phải khuất phục.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này gặp rắc rối vì một loạt những thực tế về chiến lược và địa chính trị. Đó là chưa kể tới sự hoài nghi của quốc tế đang ngày càng lan rộng về việc liệu Mỹ có thực sự sẵn sàng mạo hiểm khi châm ngòi các cuộc chiến khốc liệt ở khu vực hay không, cùng với đó là tình hình địa chính trị khu vực phức tạp đã kiềm chế đáng kể và làm rắc rối thêm những lựa chọn trên thực tế của Washington.
Khi đối phó với các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều nhận thấy họ đã thất bại về mặt ngoại giao, không đáp ứng được kỳ vọng của Hàn Quốc - quốc gia rất mong muốn tránh một cuộc chiến tranh và đưa hai nước ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Trump rõ ràng vẫn hy vọng sẽ đạt được những đột phá ngoại giao lớn hơn, bất chấp sự hoài nghi ngày càng lớn. Tuy nhiên, như những gì chuyến công du vừa qua của ông tới Tokyo thể hiện, Tổng thống Trump nhận thấy ông đang bị mắc kẹt giữa các chủ thể lớn của khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản.
[Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ sẵn sàng đàm phán không cần điều kiện với Iran]
Là đồng minh và quốc gia duy nhất ủng hộ Triều Tiên, sức ép từ Bắc Kinh là yếu tố then chốt đưa ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, khi "cuộc chiến thương mại" Mỹ-Trung leo thang, Trung Quốc dường như đã giảm sức ép đối với Triều Tiên, và có khả năng đây là lý do chính khiến Triều Tiên quyết định tiếp tục chương trình thử tên lửa.
Điều này đã khiến Nhật Bản - đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực - thực sự lo ngại, và đây là vấn đề gây mâu thuẫn dễ nhận ra nhất trong chuyến công du Nhật Bản vừa qua của Tổng thống Trump.
Mặc dù kho đầu đạn hạt nhân nhỏ của Triều Tiên gây ra lo ngại, song từ những khía cạnh khác, có thể cuộc đối đầu của Washington với Tehran còn nguy hiểm hơn. Tại châu Á, các đồng minh cũng như các kẻ thù của Mỹ đều có một quyết tâm chung là cần tránh chiến tranh, trong khi đó tại Trung Đông quyết tâm này ít rõ ràng hơn.
Khi đối phó với Tehran, các đồng minh chủ chốt của Mỹ là UAE và Saudi Arabia rõ ràng đang coi họ là một bên trong cuộc xung đột này.
Cuộc xung đột ở Yemen, bị Liên hợp quốc coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế tồi tệ nhất của thế giới, đã cho thấy tất cả các bên sẵn sàng tiến xa tới mức nào.
"Cuộc chiến trong bóng tối"
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ đã mất nhiều thời gian và năng lượng đáng kể khi lo ngại rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể khiêu khích một cuộc tấn công từ Israel và gây ra bất ổn lớn hơn tại khu vực.
Thời kỳ đó đã chứng kiến một "cuộc chiến trong bóng tối" khi xảy ra một loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran vốn bị nghi ngờ do Israel thực hiện, từ đó dẫn tới các cuộc tấn công bị cho là do Iran thực hiện nhưng nước này đã phủ nhận nhằm vào đại sứ quán và các nhà ngoại giao của Israel ở Thái Lan và Ấn Độ.
Trong một khoảng thời gian, mọi chuyện có vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả các bên đã bình tĩnh trở lại và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 dường như đã mở ra một con đường giúp Tehran cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Tất nhiên, thỏa thuận này gần như đã bị Tổng thống Trump xé bỏ, một phần là để đáp lại việc Iran rõ ràng đã can thiệp vào nhiều địa bàn ở Trung Đông, từ Syria tới Iraq và Yemen.
Các quốc gia châu Âu thực sự mong muốn duy trì thỏa thuận này, song việc các khách hàng tiềm năng nhất mua dầu mỏ của Iran miễn cưỡng tuân theo lệnh cấm của Mỹ cho thấy quyết định của Washington thực sự đã có tác dụng.
Và trong bối cảnh chính quyền Trump cho biết Mỹ sẽ chấm dứt tất cả các miễn trừ còn lại đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran - hoàn toàn cấm Tehran tham gia vào thị trường toàn cầu - thì Iran dường như ngày càng cảm thấy nước này chẳng còn gì để mất nữa.
Điều này đặc biệt đúng đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vốn đã bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố hồi tháng trước, và từ lâu luôn là lực lượng tiên phong của Iran khi thực hiện các hoạt động mạo hiểm nhưng có thể dễ dàng phủ nhận ở nước ngoài.
Tổng thống Trump đã đúng khi phát biểu tại Nhật Bản rằng không nước nào trong và ngoài khu vực thực sự muốn những điều "khủng khiếp" xảy ra.
Việc Nhật Bản sẽ gặp Iran vào mùa Hè này - một động thái có vẻ như được sự chấp thuận của Washington - cho thấy nhu cầu cần có các hoạt động ngoại giao đang tăng lên. Tuy nhiên, những rủi ro là hoàn toàn có thực.
Tất cả các bên rõ ràng đều muốn thể hiện rằng họ sẵn sàng cho một cuộc xung đột nếu cần, và những động thái như vậy có thể dễ dàng biến những lời tiên tri thành hiện thực./.