Tại sao quá trình đàm phán hòa bình cho Afghanistan bế tắc?

Việc đàm phán có tiến triển được hay không giờ sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có nhượng bộ trong vấn đề rút quân hay không mặc dù điều này chắc chắn sẽ chia rẽ Washington và Kabul.
Tại sao quá trình đàm phán hòa bình cho Afghanistan bế tắc? ảnh 1Binh sỹ Mỹ ở Afghanistan. (Nguồn: military.com)

Theo trang Stratfor, chuyên phân tích xu hướng chính trị và dự báo địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Texas (Mỹ), số ra gần đây, nước Mỹ đang nỗ lực hết sức nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan.

Tháng 9/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bổ nhiệm ông Zalmay Khalizad là đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan, nhưng nhà ngoại giao 63 tuổi gốc Afghanistan phải đương đầu với một nhiệm vụ hết sức khó khăn là thuyết phục lực lượng Taliban đồng ý ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani, tất cả là để đạt được mục tiêu chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 17 năm.

Những cuộc đàm phán hòa bình trước đây có thể đã vạch ra kế hoạch sơ bộ cho một cuộc dàn xếp chính trị mà khả năng cao là Taliban sẽ được chia sẻ quyền lực trong chính phủ thời hậu chiến của Afghanistan.

Đến lúc này, ông Khalizad đã tiến hành 3 vòng đàm phán sơ bộ với Taliban nhưng lực lượng này đã đột ngột rút khỏi vòng đàm phán thứ tư dự kiến sẽ được tiến hành ở Saudi Arabia trong tháng này.

Lý do rất đơn giản, Taliban từ chối đàm phán với các quan chức đại diện cho chính quyền Afghanistan vì cho rằng những đại diện này là không hợp pháp. Vấn đề trọng tâm giờ đây nằm ở nước Mỹ - quốc gia mà lực lượng Taliban coi như kẻ thù chính trong cuộc xung đột. Quan điểm của lực lượng Hồi giáo này đối với sự hiện diện của Mỹ vẫn rất rõ ràng: Nếu Mỹ không rút quân hoàn toàn khỏi cuộc chiến thì đàm phán hòa bình chỉ là trò viển vông.

Những rào cản đối với đàm phán hòa bình

Rào cản cơ bản khiến việc đàm phán hòa bình chính thức cho Afghanistan chưa thể khởi động chính là yêu cầu từ phía Taliban rằng Mỹ và các đồng minh trước hết phải rút toàn bộ quân ra khỏi Afghanistan.

Số binh sỹ nước ngoài chiến đấu ở Afghanistan trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đồng minh đã lên tới 130.000 quân vào năm 2011, và con số này giảm dần khi các cuộc giao tranh kết thúc vào năm 2014 và hiện tại còn khoảng 22.000 quân - bao gồm 14.000 lính Mỹ và 8.000 lính NATO hoặc lính của các nước đồng minh khác.

Việc đàm phán có tiến triển được hay không giờ sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có nhượng bộ trong vấn đề rút quân hay không mặc dù điều này chắc chắn sẽ chia rẽ Washington và Kabul cũng như chia rẽ chính Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Tháng 12/2018, nhiều báo cáo cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cân nhắc rút tới 7.000 quân. Trong khi chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani công khai tỏ ra tự tin về khả năng đảm bảo an ninh cho Afghanistan cho dù Mỹ có rút quân một phần, trên thực tế lực lượng an ninh của nước này đã chịu khá nhiều thiệt hại và tổn thất và điều đó có nghĩa là việc Mỹ rút quân sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng.

[Mỹ, Taliban nhất trí nguyên tắc về khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình]

Cho đến nay, cả Kabul và Washington đều nỗ lực tìm cách để buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán thông qua việc gây sức ép quân sự lên lực lượng này, nhất là bằng không kích (năm 2018 Mỹ và đồng minh NATO dội lượng bom kỷ lục lên Afghanistan). Nhưng tăng cường không kích cũng không chiếm thêm được vùng lãnh thổ nào lớn. Kể từ tháng 10/2017, chính quyền Kabul đã thất bại trong nỗ lực gia tăng kiểm soát 35 triệu dân của nước này. Hiện Kabul chỉ quản lý được khoảng 65% dân số - một con số chưa được như chính phủ nước này mong muốn.

Một điểm cuối nữa là Sirajuddin Haqqani, Phó chỉ huy trưởng lực lượng Taliban, nhân vật chỉ dưới quyền lãnh tụ tối cao lực lượng Taliban Mullah Haibatullah Akhunzada, được cho là thiên về hướng muốn giải quyết xung đột bằng giải pháp quân sự. Nếu đúng như vậy thì phe có ảnh hưởng nhất trong lực lượng Taliban, có tên là Quetta Shura, mà Haqqani là thành viên, hoàn toàn có thể chống đối giải pháp chính trị hay ít nhất cũng sẽ tiếp tục chiến đấu với quân đội của chính phủ Afghanistan song song với việc đàm phán hòa bình. 

Cái giá của đàm phán thất bại

Ngoài những hệ lụy rõ ràng của cuộc chiến kéo dài khiến nhiều dân thường thiệt mạng, bị mất chỗ ở và phải tìm đường di cư sang các nước khác, có quá nhiệu hệ lụy về mặt kinh tế cũng như về mặt chiến lược nếu đàm phán hòa bình thất bại.

Ngoài việc tiêu tốn mỗi năm 45 tỷ USD ngân sách của chính quyền Mỹ, việc Mỹ tiếp tục có mặt ở Afghanistan sẽ hạn chế khả năng của Washington trong việc dồn đủ nguồn lực cho cuộc chiến siêu cường với Nga và Trung Quốc, đây mới chính là “mối lo hàng đầu đối với an ninh của nước Mỹ” như Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái đã nhấn mạnh trong Chiến lược Quốc phòng chứ không phải cuộc chiến chống khủng bố đã tồn tại từ trước đó.

Về mặt kinh tế, tình hình mất an ninh nghiêm trọng sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư và càng cho thấy sự bất ổn chính trị của đất nước với nền kinh tế có 21 tỷ USD hiện đang rất cần phát triển để có thể tạo ra doanh thu lớn hơn (hiện 40% nguồn thu của nước này là từ trợ giúp của nước ngoài).

Kabul cũng đang phải vật lộn đối phó với tỷ lệ nghèo đói lên tới 55% ở nước này, con số tăng khá nhanh so với 34% vào năm 2007) và tạo các nguồn sinh kế thay thế cho những người nông dân trước đây trồng thuốc phiện, mà ngành này mang lại nguồn thu 6,6 tỷ USD (tương đương 30% nguồn thu của cả nền kinh tế nước này).

Năm 2017, nhờ những tín hiệu tích cực hơn về đầu tư do có cải thiện về an ninh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan tăng 2,7%, cao hơn 0,3% và 1,2 % so với hai năm trước đó. Nhưng tình hình năm 2019 sẽ không sáng sủa được như thế.

Tiếp tục chiến tranh đồng nghĩa với việc Afghanistan không tận dụng được vị trí của mình là chiếc cầu nối với nhiều vùng ở khu vực Á Âu. Chẳng hạn như nối khu vực Trung Á với Nam Á bằng đường ống dẫn dầu khí qua trục các nước Turmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ cũng như có thể nối cảng Chabahar của Iran với khu vực Trung Á qua Hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam.

Sự bất ổn ở Afghanistan cũng đặt ra rào cản đối với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, mà theo dự tính sẽ nối tỉnh Tân Cương ở phía Tây của Trung Quốc với khu vực Trung Đông qua Iran, và nối với Pakistan qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Tuy nhiên, hiện tại cuộc chiến ở Afghanistan đã buộc Bắc Kinh phải chuyển tuyến các hành lang thương mại qua các vùng khác.

Cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan cũng khiến nước này không tận dụng khai thác được trữ lượng đất hiếm của mình mà cuộc khảo sát của Mỹ hồi năm 2010 đánh giá trữ lượng này trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Các lựa chọn của Trump

Cuối cùng, ông Trump có thể có ba lựa chọn trong sách lược đối với Afghanistan. Ông có thể giữ nguyên số quân hiện tại ở đây để hỗ trợ giải pháp có điều kiện như đã đề ra trong bài phát biểu của mình về Nam Á hồi tháng 8/2017 dù cách này gần như chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng tiếp tục bế tắc. Hoặc ông có thể rút tất cả 14.000 quân Mỹ khỏi Afghanistan. Đây là lựa chọn quyết liệt nhất và mặc dù điều đó không có nghĩa là 8.000 quân đồng minh cũng sẽ rút ngay, nhưng chắc chắn giải pháp này sẽ đánh dấu sự chuyển đổi bất ngờ về mặt chiến lược và chấm dứt một cách đột ngột sự hiện diện của quân đôi Mỹ ở Afghanistan. Những rủi ro của giải pháp này rất đáng phải cân nhắc.

Việc di chuyển quân và toàn bộ vũ khí trang thiết bị ra khỏi Afghanistan chắc chắn sẽ mất thời gian và khiến việc rút quân không thể nhanh chóng, đồng thời việc ngừng hỗ trợ an ninh ngay lập tức sẽ khiến Afghanistan mất ổn định và tạo cơ hội cho lực lượng Taliban tăng cường tấn công nhằm giành chiến thắng về mặt quân sự.

Lựa chọn này cũng sẽ buộc các nước trong khu vực gồm Trung Quốc, Nga, Turkmenistan, Uzbekistan, Iran và Pakistan - những nước bên ngoài tài trợ cho Taliban - phải can thiệp hơn nữa vào vấn đề Afghanistan để đảm bảo lực lượng Hồi giáo quá khích như Khorasan không tranh thủ lợi dụng khoảng trống an ninh. Hơn thế nữa, những nước này sẽ phải hợp tác để đảm bảo sự ổn định nhất định cho Afghanistan khi Kabul thành lập chính phủ mới thời hậu chiến.

Thuyết phục Taliban ngồi vào bàn đàm phán sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc Mỹ có đồng ý thương thảo rút quân hay không. Nhưng chính quyền Mỹ cũng có thể chọn cách rút một số quân nhất định. Báo cáo cho thấy hiện các nhà tư vấn quân sự cho Nhà Trắng đang thuyết phục ông Trump rút khoảng 3.500 quân trong thời gian kéo dài hơn. Đây có vẻ là giải pháp khả quan nhất vì nó vừa phần nào đáp ứng được quan điểm của ông Trump là không muốn Mỹ dính vào cuộc chiến này nữa, vừa giảm thiểu được những rủi ro nếu rút quân với quy mô lớn hơn. Động thái này cũng sẽ xoa dịu Lầu Năm Góc phần nào vì chính Bộ Quốc phòng Mỹ còn đề xuất gửi thêm quân đến Afghanistan hồi năm 2017.

Ngoài các lựa chọn quân sự, tiêu điểm ngoại giao trong chiến lược Afghanistan của ông Trump sẽ dựa vào việc kêu gọi Pakistan, nước từ lâu là nơi trú ẩn của một số phần tử Taliban, tạo thêm sức ép để lực lượng này chịu ngồi đàm phán với chính quyền Kabul.

Hiện phía Pakistan có hợp tác (ví dụ gần nhất là việc Pakistan bắt một nhân vật cấp cao của Taliban tên là Hafiz Mohibullah), nhưng thuyết phục Taliban ngồi vào bàn đàm phán sẽ cần phía Mỹ phải đồng ý rút quân. Nếu Mỹ không rút quân thì những chuyến công du ngoại giao con thoi của đặc phái viên Khalilzad cũng là vô nghĩa, chưa kể thực tế là bản thân những cuộc đàm phán hòa bình là một tiến trình dài, phức tạp và đầy tranh chấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.