Tại sao quân đội Thái Lan bất ngờ tuyên bố thiết quân luật?

Theo tướng Prayuth, việc áp dụng tình tình trạng thiết quân luật là cần thiết nhằm tránh đổ máu nhưng không rõ việc áp dụng sẽ kéo dài trong bao lâu.
Tại sao quân đội Thái Lan bất ngờ tuyên bố thiết quân luật? ảnh 1Binh sỹ Thái Lan tuần tra ở Bangkok ngày 20/5. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Quân đội Thái Lan đã tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc nhằm duy trì trật tự và hòa bình trong khi tranh cãi chính trị tại nước này đang bị đẩy lên đỉnh điểm, với khả năng có thể xảy ra xung đột và bạo lực.

Việc áp dụng tình trạng thiết quân luật, theo giải thích của phía quân đội, không phải là đảo chính nhưng nó sẽ cho phép quân đội kiểm soát tình hình an ninh. Theo luật pháp Thái Lan, các tư lệnh lực lượng vũ trang có quyền đơn phương thiết lập tình trạng thiết quân luật trước những bất ổn bạo lực hoặc sự xâm lược của nước ngoài.

Trên thực tế, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố áp đặt tình trạng này mà không cần tham vấn hay sự cho phép của Chính phủ tạm quyền hiện nay. Ngay sau đó, ông này cũng tuyên bố giải tán Trung tâm gìn giữ hòa bình do Chính phủ và cảnh sát điều hành để thay thế bằng một Trung tâm thực thi hòa bình do chính ông ta đứng đầu.

Trong nhiều tháng qua, Phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội khi họ liên tục tìm cách lật đổ Chính phủ hiện nay. Bạo lực và xung đột đã khiến 27 người chết và hàng trăm người bị thương.

Việc ông Suthep phát động trận chiến cuối cùng nhằm loại bỏ hoàn toàn chính phủ cùng với việc Thượng viện nhất trí thúc đẩy tiến trình bổ nhiệm một thủ tướng mới đã đẩy tình hình lên tới đỉnh điểm của sự căng thẳng bởi lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ cũng đã tập hợp đủ lực lượng để sẵn sàng hành động.

Những diễn biến này đã khiến tướng Prayuth, người vẫn muốn kiềm chế việc quân đội can thiệp, buộc phải tham gia làm trung gian giải quyết cuộc đối đầu giữa hai phe phản đối với ủng hộ chính phủ. Tuy nhiên, quân đội sẽ chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát an ninh, trong khi các nhiệm vụ chỉ huy còn lại vẫn thuộc về chính phủ, không giống một cuộc đảo chính.

Thái Lan từng chứng kiến 18 cuộc đảo chính kể từ khi chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, trong đó cuộc đảo chính gần đây nhất lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 đã trở thành nỗi ám ảnh bởi những hệ quả kéo dài tới tận thời điểm này.

Hiện tại, vẫn chưa thấy ngay những tác động của việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp đối với xã hội Thái Lan, ngoại trừ tình trạng giao thông vốn luôn tắc nghẽn lại càng trở nên tồi tệ. Quân đội cũng đã buộc một số đài truyền hình chưa có giấy phép của cả hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ phải đóng cửa.

Theo tướng Prayuth, việc áp dụng tình tình trạng thiết quân luật là cần thiết nhằm tránh đổ máu thêm nữa. Nhưng ông này không nói việc áp dụng sẽ kéo dài trong bao lâu.

Chưa rõ liệu hành động này có dẫn tới việc thay đổi chính phủ bằng việc chỉ định một Thủ tướng và một nội các mới hay không. Có rất nhiều khả năng xảy ra, trong đó có cả vấn đề này bởi phe biểu tình chống chính phủ vẫn tuyên bố tiếp tục duy trì những hành động của họ nhằm cải cách đất nước trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, phe áo đỏ cảnh báo rằng việc thay thế chính phủ hiện nay bằng một chính quyền không thông qua bầu cử là hành động đi quá giới hạn và có thể dẫn tới nội chiến.

Chính phủ Thái Lan trong chiều này đã tổ chức một cuộc họp nhằm đưa ra những kế hoạch đối phó với việc áp dụng tình trạng thiết quân luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục