Theo báo Liên hợp Buổi sáng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang rầm rộ triển khai tiêm chủng vaccine cho người dân, trong đó không ít khu vực sử dụng vaccine do Trung Quốc nghiên cứu phát triển, nhưng điều ngạc nhiên là tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc lại không cao, hiện vẫn chưa đến 4%, thấp hơn nhiều so với Anh, Mỹ…
Tại Diễn đàn Hợp tác và Phòng chống Dịch bệnh Trung-Mỹ do Đại học Thanh Hoa và Viện Brookings phối hợp tổ chức hôm 1/3, ông Chung Nam Sơn - Tổ trưởng Tổ chuyên gia cao cấp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc - cho biết xét về tỷ lệ tiêm chủng vaccine, hiện nay Israel đạt 92,46%, Saudi Arabia và Anh lần lượt là 60,82% và 30,13%, Mỹ 22%, Trung Quốc 3,56%.
Tuy nhiên, ông Chung Nam Sơn nói thêm rằng hy vọng tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Trung Quốc có thể đạt 40% vào cuối tháng Sáu tới. Thời gian đến đó không nhiều, và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc cần làm.
Cho dù là biện pháp phòng ngừa hay nghiên cứu phát triển vaccine, tốc độ của Trung Quốc đều vượt trội hơn cả, nhưng tại sao đến khâu tiêm chủng - một khâu phòng dịch thậm chí còn quan trọng hơn, Trung Quốc lại chậm chạp như vậy? Hậu quả của tỷ lệ tiêm chủng thấp là gì?
Tỷ lệ tiêm chủng thấp của Trung Quốc dưới góc nhìn toàn cầu
Trung Quốc bắt đầu sử dụng khẩn cấp vaccine từ tháng 6/2020, đến ngày 15/12, nhiều nơi đã triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn cho những nhóm đối tượng trọng điểm.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ số liệu chính thức về tỷ lê tiêm chủng toàn quốc, trong khi ông Chung Nam Sơn cũng không nói rõ con số tỷ lệ tiêm chủng 3,56% được thu thập từ đâu.
[Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số trước cuối tháng 7]
Một bài viết trên Bloomberg vào ngày 5/2 cung cấp thêm thông tin rằng Trung Quốc bắt đầu chính thức tiêm chủng từ ngày 15/12 và đã tiêm hơn 31,2 triệu liều vaccine, số lượng chỉ đứng sau Mỹ.
Xét từ số liệu tiêm chủng vaccine do Bloomberg theo dõi, cứ 100 người dân Trung Quốc thì chỉ có hơn 2 liều (2/100), trong khi ở Liên minh châu Âu (EU) là 3/100, Mỹ là 10/100 và Israel là 60/100.
Theo tờ Zürcher Zeitung của Đức, tính đến ngày 9/2, Trung Quốc đã tiêm chủng 40,5 triệu liều vaccine, chỉ đứng sau Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ tiêm chủng bình quân trên mỗi 100 người dân, thì Trung Quốc chỉ đạt 2,8%, xếp sau Thụy Sĩ (7,1%) và Đức (6,1%).
Thống kê của tổ nghiên cứu “Our World in Data” thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng xác định tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc ở mức 2,82%.
Tuy nhiên, đây là số liệu tính đến ngày 9/2, do đó, có thể tin rằng con số 3,56% mà ông Chung Nam Sơn đề cập là số liệu mới nhất.
Tại sao tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc hiện nay không cao?
Theo phân tích của Bloomberg, nguyên nhân thiếu động lực tiêm chủng vaccine của Trung Quốc không giống như vấn đề phân phối vaccine hoặc sản lượng sản xuất mà các quốc gia châu Âu gặp phải.
Hơn nữa, các loại vaccine do Công ty Sinovac Biotech và Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) nghiên cứu phát triển đều có thể bảo quản trên 1 năm ở nhiệt độ lạnh, khác với vaccine được Mỹ nghiên cứu phát triển bằng công nghệ cao mRNA phải đối diện với thách thức vận chuyển và bảo quản.
Vaccine công nghệ mRNA cần phải bảo quản trong điều kiện đóng băng sâu, hơn nữa có nguy cơ biến chất khi rã đông quá sớm.
Phân tích này cho rằng nguyên nhân khiến Trung Quốc tiêm chủng chậm dường như là do mức độ sẵn sàng tiêm chủng phổ quát của dân chúng tương đối thấp.
Một mặt, không ít người hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, mặt khác do tình hình dịch bệnh cục bộ xuất hiện ở phía Bắc Trung Quốc trong mùa Đông đã được khống chế nên người dân không có cảm giác cấp bách về việc tiêm chủng.
Cũng theo phân tích của tờ Zürcher Zeitung, chính sách mà Trung Quốc thực hiện là trước hết phải đạt được miễn dịch ở những nhóm đối tượng trọng điểm, chứ không phải tiêm chủng toàn dân trên diện rộng.
Trong khi đó, các nước khác lại ưu tiên tiêm cho người già để hạ thấp tỷ lệ tử vong, song phương pháp này không phát huy tác dụng tại Trung Quốc do tỷ lệ lây nhiễm thấp, nên rủi ro đối với người lớn tuổi có thể không đáng kể.
Phân tích trên cũng viện dẫn kết quả một cuộc khảo sát tiến hành đối với 18 triệu cư dân Thượng Hải được công bố hồi tháng 1 năm nay.
Cứ khoảng 2 người thì có một 1 người cho biết không muốn tiêm chủng vaccine.
Phân tích nhấn mạnh: do ở Trung Quốc luôn có thể nghe thấy vấn đề mọi người không những không tin vaccine của nước ngoài, mà còn không tin tưởng vào vaccine do Trung Quốc nghiên cứu phát triển, bởi vì mọi người lo lắng vaccine sẽ xuất hiện tác dụng phụ. Ngoài ra, số lượng lây nhiễm ở Trung Quốc tương đối thấp, nên rất nhiều người cũng cho rằng không cần thiết phải tiêm chủng vaccine.
Một báo cáo ngày 26/2 của BBC cũng đã viện dẫn kết quả điều tra về “Mức độ sẵn sàng và các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của nhân viên y tế tỉnh Chiết Giang” do Tạp chí “Vaccine và miễn dịch Trung Quốc” công bố ngày 18/2, nhấn mạnh trong số 756 nhân viên y tế, mức độ sẵn sàng tiêm chủng đối với vaccine sử dụng khẩn cấp và vaccine sau khi đưa ra thị trường lần lượt là 42,46% và 27,65%.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy mức độ sẵn sàng tiêm chủng của nữ giới, những người có trình độ học vấn từ thạc sỹ trở lên và nhân viên y tế tương đối thấp.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng mức độ sẵn sàng tiêm chủng có liên quan nhiều đến những thông tin trên mạng xã hội, mối lo ngại đối với tính hiệu quả và tác dụng phụ của vaccine mà những người có trình độ học vấn cao tiếp nhận.
Trong những nhóm đối tượng không sẵn sàng tiêm chủng, 57,69% dựa vào lý do lo lắng tác dụng phụ của vaccine, phần còn lại lần lượt là hoài nghi tính hiệu quả của vaccine, khu vực địa phương đã không còn ca bệnh COVID-19 nên không cần tiêm vaccine, vaccine ngừa COVID-19 cần phải thu phí, trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng không thuận tiện cho việc tiêm chủng.
Một phụ nữ 39 tuổi ở Bắc Kinh đang là nhân viên của một doanh nghiệp khoa học công nghệ, không muốn tiết lộ tên, nói với Liên hợp Buổi sáng rằng tiêm chủng vaccine ở Bắc Kinh là vấn đề mang tính chất tự nguyện, nhiều doanh nghiệp và khu vực đều tổ chức tiêm chủng vaccine, đồng thời đề nghị những người dân thành phố làm các công việc tiếp xúc với nhiều người như lái xe nên đăng ký tiêm chủng trước tiên.
Tuy nhiên, cô nói rằng "những người người bảo thủ như cô vẫn lo sợ vaccine không đủ an toàn, bởi vì suy cho cùng chu kỳ nghiên cứu phát triển quá ngắn."
Một phụ nữ khác 50 tuổi là nhân viên ngân hàng ở thành phố Tây An cũng nói với Liên hợp Buổi sáng rằng ngân hàng của cô vốn khuyến khích nhân viên tự nguyện đăng ký tiêm chủng vaccine, đồng thời đề nghị những nhân viên ở tuyến đầu đăng ký, nhưng kết quả không có ai đăng ký. Cuối cùng lãnh đạo ngân hàng nói rằng 1/3 nhân viên phải đăng ký tiêm chủng vaccine.
Hậu quả của tỷ lệ tiêm chủng không cao
Theo thông tin được Chung Nam Sơn tiết lộ ngày 1/3 tại diễn đàn, mục tiêu tiêm chủng vaccine của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc là tỷ lệ tiêm chủng đạt 40% vào cuối tháng 6 năm nay.
Tại cuộc họp báo ngày 31/12/2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Tăng Ích Tân, phát biểu nhìn chung tỷ lệ tiêm chủng vaccine cần phải đạt 60%-70% mới có thể thiết lập được sự bảo vệ đối với toàn dân.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu kinh tế, nếu dựa vào tốc độ tiêm chủng vaccine hiện nay của Trung Quốc thì phải chờ đến năm 2022 mới có thể hoàn thành tỷ lệ 60% người dân Trung Quốc được tiêm chủng.
Nếu căn cứ vào số liệu tổng hợp ngày 5/2 của Bloomberg, Trung Quốc phải mất 5,5 năm mới thực hiện được miễn dịch cộng đồng, trong khi Mỹ và Anh lần lượt chỉ cần 11 tháng và 6 tháng.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc không thể nâng cao, Trung Quốc sẽ trì hoãn việc mở cửa. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với các quốc gia và công ty mong muốn Trung Quốc sớm dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới, cũng như đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của chính Trung Quốc.
Theo dự đoán của Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Oxford Economics đóng tại Hong Kong, Louis Kuijs, Trung Quốc sẽ cân nhắc đến các nhân tố bất lợi tiềm ẩn, và đến một thời điểm nào đó sẽ đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine.
Nếu không tăng cường tiêm chủng vaccine, Trung Quốc có thể sẽ phải trì hoãn hơn nữa việc mở cửa biên giới, đồng thời tạo ra sức ép đối với tăng trưởng kinh tế trong vài năm tới, bởi vì điều này sẽ khiến cho tần suất và cường độ bùng phát của dịch COVID-19 tăng lên, khiến các biện pháp hạn chế của chính phủ phải cao hơn mức cần thiết.
Đây cũng là vòng tuần hoàn tiêu cực, một số chuyên gia phân tích nhấn mạnh chính vì do biên giới Trung Quốc không mở cửa, nên ở trong nước cũng thiếu đi động lực thúc đẩy người dân tiêm chủng vaccine, và người dân cũng không có cảm giác bức bách tự nguyện tiêm chủng.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong nước của Trung Quốc không cao, ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh hiện nay Trung Quốc đang cung cấp viện trợ không hoàn lại vaccine cho 53 quốc gia có nhu cầu, đồng thời cũng đang xuất khẩu vaccine sang 27 nước.
Theo số liệu thống kê vào trung tuần tháng 2 của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, tổng cộng Trung Quốc đã cung cấp 46 triệu liều vaccine ra nước ngoài, con số này cao hơn tổng số liều vaccine đã tiêm chủng ở trong nước là 40,52 triệu liều.
Theo phân tích của tờ Zürcher Zeitung, mặc dù năm nay năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc có thể đạt 1 tỷ liều/năm, nhưng một phần trong số đó sẽ chuyển ra nước ngoài, bởi vì ban lãnh đạo Trung Quốc đã xem vaccine là sức mạnh mềm của Trung Quốc và sẽ quảng bá trên khắp thế giới./.