Taliban kiểm soát Afghanistan: Cơ hội và rủi ro với Trung Quốc

Afghanistan dưới thời Taliban sẽ ảnh hưởng như thế nào với Trung Quốc? Cơ hội và rủi ro phần lớn không phụ thuộc vào Trung Quốc, mà phụ thuộc vào định hướng tương lai của lực lượng Taliban.
Các tay súng Taliban tuần tra trên đường phố ở Kabul, Afghanistan, ngày 23/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng Võng Dị, sau khi lực lượng Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan, lợi ích của các nước ở Afghanistan chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn. Afghanistan dưới thời Taliban sẽ ảnh hưởng như thế nào, và đâu là cơ hội và nguy cơ đối với Trung Quốc?

Thực tế, câu hỏi này không dễ trả lời lúc này. Bởi cơ hội và rủi ro phần lớn không phụ thuộc vào Trung Quốc, mà phụ thuộc vào định hướng tương lai của lực lượng Taliban.

Nhìn bề ngoài, Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban, với khuynh hướng chính trị tương đối ôn hòa hiện tại và thái độ tích cực tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc, có khả năng mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc.

Tiềm năng của Afghanistan

Trước hết, vị trí địa lý của Afghanistan là rất quan trọng. Là ngã tư của lục địa Á-Âu, quốc gia này có thể nói là điểm nút trọng yếu của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Hơn nữa, Afghanistan được kết nối với Trung Quốc và Iran ở phía Đông và phía Tây, phía Nam giáp với Pakistan. Trên thực tế, cả Iran và Pakistan đều là đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc trong BRI, nếu Afghanistan có thể tham gia vào khuôn khổ BRI và các dự án được triển khai thông suốt thì nước này sẽ đóng vai trò rất tích cực trong việc xây dựng hệ thống kinh tế lục địa Á-Âu trong tương lai của Trung Quốc.

Còn về mặt chính trị, khi Afghanistan tham gia vào trung tâm địa chính trị cũng sẽ củng cố đáng kể nền tảng của Liên minh tam giác Trung Quốc-Nga-Iran, tăng cường liên kết nội bộ trong liên minh này.

Afghanistan cũng có tiềm năng khoáng sản lớn. Theo ước tính, trữ lượng quặng sắt của Afghanistan là khoảng 10 tỷ tấn; đồng, vàng và quặng molybdenum khoảng 30 triệu tấn; đá cẩm thạch 30 tỷ m3, khí đốt tự nhiên có khoảng 1.180 tỷ đến 19.150 tỷ m3, dầu mỏ khoảng từ 3,91-356 tỷ thùng.

[Những người hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan]

Tuy nhiên, kể từ năm 1979, Afghanistan luôn trong tình trạng chiến tranh, nên các hoạt động khảo sát bị ngưng trệ, do đó con số này khả năng có thể thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Điều này đặc biệt có sức hấp dẫn đối với Trung Quốc. Xét cho cùng, với tư cách là nước sản xuất lớn nhất thế giới, nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Hơn nữa, trong theo xu hướng lớn của đối đầu Mỹ-Trung, đây là một điều rất khó khăn đối với Trung Quốc bởi phần lớn các mỏ khoáng sản hiện có trên thế giới đều do phương Tây kiểm soát.

Nhiều quốc gia tài nguyên khoáng sản cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của phương Tây. đối với Trung Quốc. Afghanistan giáp với Trung Quốc, với phía Bắc là lục địa Á-Âu, phía Nam là hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Trung Quốc tham gia sâu vào Cảng Gwadar.

Về lâu dài, nước này còn có Hành lang Wakhan như một kênh chiến lược. Đường thủy, đường cao tốc và đường bộ về lâu dài đều có thể thực hiện, hơn nữa khoảng cách ngắn hơn nhiều so với những nguồn cung tài nguyên chính hiện có khác.

Một khi khoáng sản của quốc gia này được khai thác với quy mô lớn, xét về cả chủ quan và khách quan thì nước này chỉ có thể cung cấp cho Trung Quốc, và phần lớn giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Còn về số tiền Trung Quốc đã trả cho Afghanistan, trong bối cảnh đất nước có trình độ khoa học và cơ sở hạ tầng kém, cho dù là mua sản phẩm hay tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, thì số tiền đó cũng sẽ lại quay trở về Trung Quốc.

Đây rõ ràng là “mỏ vàng lớn,” đôi bên cùng có lợi. Chính trị, kinh tế, quân sự, chiến lược, tất cả các khía cạnh của Afghanistan có giá trị to lớn như vậy đối với Trung Quốc. Nhưng điều kiện tiên quyết để “kho báu” này có thể được khai thác là lực lượng Taliban có thể kiểm soát được tình hình.

Thách thức mà Taliban phải đối mặt khi lãnh đạo đất nước

Trước hết, về vấn đề chia rẽ nội bộ. Theo quan sát của thế giới bên ngoài, Taliban hiện nay đã rất khác so với Taliban của những năm 1990. Taliban không còn là một tổ chức chính trị chặt chẽ, mà là một liên minh vũ trang nhiều hơn.

Nội bộ tồn tại nhiều phe phái khác nhau, hơn nữa mỗi phe phái đều có lực lượng vũ trang riêng, đồng thời Taliban không có một thủ lĩnh chính trị và tinh thần tuyệt đối giống như Omar có thể kiểm soát được toàn cục. Lãnh tụ số một hiện nay Haibatullah Akhundzada giống một nhân vật để cân bằng các phe phái, không có năng lực kiểm soát tuyệt đối. Chính phủ Afghanistan thì có thể ổn định, nhưng khi phân chia quyền lợi, thì khó có thể biết được liệu có ổn định hay không.

Hơn nữa, năng lực kiểm soát đất nước của Taliban cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Phó Tổng thống Amrullah Saleh và con trai của cựu chỉ huy Liên minh phương Bắc Ahmad Shah Massoud đang cố thủ ở Panjshir vẫn đang tuân theo đường lối của chính phủ cũ, chống lại Taliban.

Điều này cần tiếp tục quan sát. Nếu tình hình bất ổn còn kéo dài, Afghanistan sẽ không thể triển khai xây dựng kinh tế.

Thứ hai, giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực. Tổng diện tích của Afghanistan chỉ có 650.000km2, phần lớn là núi và sa mạc, rất ít mưa, cơ bản không có công nghiệp, còn ngành nông nghiệp và chăn nuôi vẫn duy trì theo hình thức truyền thống, trong khi quốc gia này lại có hơn 30 triệu nhân khẩu. Đây chắc chắn là một gánh nặng lớn.

Với điều kiện địa lý và phương thức sản xuất của Afghanistan, cộng với nhiều năm chiến tranh, hầu như không thể sản xuất đủ lương thực cho nhiều người như vậy. Theo ước tính, tổng sản lượng ngũ cốc ở Afghanistan là 4 triệu tấn/năm, mỗi người khoảng 10kg/tháng.

Trước đây, Mỹ cung cấp tài trợ và lương thực cho Chính phủ Afghanistan, do đó ít nhất lương thực của người dân thành thị có thể được đảm bảo phần nào. Bây giờ bài toán là làm thế nào để có đủ lương thực đã trở thành một vấn đề lớn.

Tất nhiên, Taliban có thể mua hoặc kêu gọi các nước giúp đỡ. Nhưng vấn đề hiện Mỹ không cung cấp tài chính cho Taliban, ngay cả tiền của Chính phủ Afghanistan cũ cũng đã bị Mỹ đóng băng và về cơ bản Afghanistan không có nền tảng sản xuất nên Taliban không thể kiếm đủ tiền để mua lương thực.

Trong hai năm qua, do dịch bệnh, sản lượng lương thực toàn cầu giảm, giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh, nước này cũng không thể mua đủ lương thực.

Còn về việc kêu gọi viện trợ của các quốc gia thân thiết, trong hai năm nay, sản lượng lương thực toàn cầu giảm mạnh, toàn thế giới đều có thể đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, do vậy, cũng chưa biết được liệu Taliban có thể nhận được bao nhiêu lương thực viện trợ. Đây chắc chắn là một vấn đề lớn. Nếu không có đủ lương thực, thì ngay lập tức cả nước sẽ hỗn loạn và nội chiến sẽ xảy ra.

Cuối cùng là làm thế nào để thiết lập hình ảnh một chính phủ bình thường trên bình diện quốc tế. Trên thực tế, điều này cũng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Taliban. Nếu lực lượng này vẫn có hình ảnh của khủng bố, thì thế giới không thể quan hệ với Taliban một cách bình thường, chưa kể các đối thủ phương Tây sẽ không bao giờ xóa thù hận.

Ngay cả những nước như Trung Quốc, Nga và Iran có tiềm năng hợp tác, thì cũng không công khai đàm phán hợp tác với Taliban, bởi các nước này cũng cần phải tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Do đó, Taliban sẽ buộc phải thay đổi để trở thành một chính phủ bình thường. Tuy nhiên, hai vấn đề sản xuất buôn bán ma túy và chủ nghĩa khủng bố, đã phá vỡ giới hạn của quốc gia bình thường. Nếu Taliban tiếp tục trồng cây thuốc phiện, sản xuất ma túy và tiếp tục che chở, dung túng cho các tổ chức khủng bố, chưa nói đến Trung Quốc, Nga, thì ngay cả Saudi Arabia và Pakistan cũng không bao giờ công khai hợp tác.

Cân nhắc đến tình hình thực tế của Afghanistan và Taliban, hợp tác đối ngoại của họ chỉ có thể giới hạn ở Trung Quốc, Nga, Pakistan và các nước Hồi giáo khác ở Trung Đông trong ngắn hạn và trung hạn.

Sự lựa chọn của Trung Quốc

Nếu Taliban có thể ổn định đất nước Afghanistanthì Trung Quốc có thể đầu tư mạnh, nhưng nếu Taliban không làm được thì Trung Quốc sẽ khó có thể rót vốn đầu tư. Suy cho cùng, dù là xây dựng cơ sở hạ tầng hay khai thác khoáng sản, điều này cần đầu tư nhiều trong giai đoạn đầu, ít nhất cũng phải lên đến hàng trăm tỷ và lợi nhuận thu được phải mất nhiều năm. Nếu lỡ đầu tư vào Afghanistan mà Taliban không kiểm soát được tình hình, thì tiền đầu tư của Trung Quốc coi như “đổ xuống sông xuống biển.”

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không đầu tư vào Afghanistan cũng không phù hợp. Xét cho cùng, Afghanistan thực sự là một mỏ vàng lớn và là ngã tư của lục địa Á-Âu. Quốc gia này có thể mang lại giá trị và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu.

Hơn nữa, nếu Trung Quốc không đầu tư vào Afghanistan, Taliban sẽ khó có thể duy trì sự ổn định lâu dài về quyền lực, khi đó nơi đây sẽ xảy ra nội chiến và hỗn loạn, và trở thành căn cứ địa cho các lực lượng khủng bố cực đoan. Chính vì vậy, thích hợp nhất hiện nay là Trung Quốc thực hiện từng bước một.

Trong giai đoạn đầu, các dự án phát triển khoáng sản mà Trung Quốc đã ký với Chính phủ Afghanistan trước đây, dù sao cũng đã có nền tảng và có thể khôi phục trở lại ngay sau khi ổn định tình hình. Đối với các dự án do các nước khác và Chính phủ Afghanistan ký kết, nếu họ không thể tiếp tục thực hiện hoặc Taliban không muốn hợp tác với các nước này, Trung Quốc cũng có thể có điều kiện xem xét tiếp quản.

Điều này không chỉ để tránh tổn thất, mà còn là một cách để hỗ trợ cho lực lượng Taliban. Có tiền, họ sẽ không bị chia rẽ do tranh giành lợi ích, có khả năng bình định các lãnh chúa và bộ tộc, có khả năng mua sắm lương thực, từ đó ổn định quyền lực chính trị.

Đồng thời, hợp tác Trung-Nga có thể cung cấp một phần lương thực cho Taliban. Xét cho cùng, tình thế khó khăn nhất hiện nay của Taliban là không đủ lương thực. Nếu muốn ổn định được tình hình ở Afghanistan thì lương thực là điều kiện cơ bản nhất.

Về vấn đề này, các quốc gia Hồi giáo như Pakistan và Iran có thể không hỗ trợ được, nhưng đối với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Nga, điều này là khả thi. Nga là nước xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, còn Trung Quốc luôn đủ dự trữ lương thực.

Về trung hạn, nếu lực lượng Taliban ổn định được tình hình, kiểm soát hiệu quả đối với Afghanistan và về cơ bản loại bỏ ma túy và chủ nghĩa khủng bố, thì nước này có thể sẽ phát triển khai thác khoáng sản. Hiện cảng phía Nam Gwadar, Pakistan và cây cầu Lục địa Á-Âu thứ hai ở phía Bắc đã được xây dựng, và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đang dần thúc đẩy.

Trung Quốc có thể trực tiếp đến khảo sát, khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối cơ sở khoáng sản của Afghanistan với cảng Gwadar, đường sắt Á-Âu và thậm chí là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Các dự án này là cơ hội tiềm năng cho các công ty Trung Quốc, và các mỏ khoáng sản đã khai thác cũng sẽ trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành sản xuất của Trung Quốc.

Do không được phép sử dụng hệ thống thanh toán bằng USD, nên giao dịch giữa Afghanistan và Trung Quốc sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy hiệu quả quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và phá vỡ tiêu chuẩn định giá hàng hóa của đồng USD.

Về phía lực lượng Taliban, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc khai thác khoáng sản với lượng lớn, một số lượng lớn người dân Afghanistan cũng sẽ có cơ hội việc làm, từ đó có thêm động lực và năng lực thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc gia bình thường.

Về dài hạn, nếu mọi thứ suôn sẻ trong giai đoạn trung hạn, thì nền tảng của Taliban ở Afghanistan sẽ được củng cố và được người dân ủng hộ, đồng thời Afghanistan hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế của BRI.

Afghanistan sau đó có thể phát huy giá trị địa chiến lược của mình, khởi động xây dựng công trình giao thông vận tải quy mô lớn, toàn diện, không chỉ ở khu vực khai thác, mà còn cả giao thông vận tải tại các địa phương, thậm chí cả các công trình kết nối Afghanistan và các nước láng giềng, Trung Quốc có thể đầu tư quy mô lớn để mở cửa hoàn toàn, kể cả Hành lang Wakhan.

Bằng cách này, giá trị chiến lược của ngã tư lục địa Á-Âu sẽ được phát huy triệt để, và Tam giác Trung Quốc-Nga-Iran cũng sẽ có được nguồn năng lượng to lớn nhờ sự hình thành của hệ thống giao thông. Nhờ đó, Trung Quốc, Nga và Iran có thể gia tăng ảnh hưởng ở ba hướng Nam Á, Trung Đông và thậm chí cả Ấn Độ Dương.

Tất nhiên, đây mới chỉ là tầm nhìn chiến lược, để hiện thực hóa được kế hoạch chiến lược này, sớm nhất cũng phải mất 20 năm. Ngay cả kế hoạch trung hạn, liệu có thể thành hiện thực hay không vẫn chưa thể biết được.

Suy cho cùng, mọi kịch bản đều phụ thuộc vào việc Taliban có thể thực hiện được nền tảng quản trị bình thường và đến nay vẫn chưa biết được liệu Taliban có thể thực hiện được mục tiêu này hay không.

Do vậy, Trung Quốc nên tiến hành từng bước một, đầu tư theo từng đợt, kiểm soát nhịp điệu, như vậy vừa có thể đón đầu lợi nhuận tiềm năng to lớn trong tương lai, lại vừa có thể kiểm soát rủi ro và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục