Ngày 23/1, phái đoàn Taliban đã bắt đầu các cuộc đàm phán với các đại diện xã hội dân sự của Afghanistan tại Oslo (Na Uy).
Phái đoàn Taliban do Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi làm trưởng đoàn, là phái đoàn đầu tiên của lực lượng này tới châu Âu kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề bảo đảm quyền con người và viện trợ nhân đạo, trong đó ngày đàm phán đầu tiên sẽ dành cho các cuộc tiếp xúc với các nhà hoạt động nữ và các nhà báo.
Hai ngày làm việc tiếp theo, Taliban sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới chức nước chủ nhà cùng quan chức các nước gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và đại diện Liên minh châu Âu (EU).
Theo Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt, sự kiện này không đồng nghĩa với sự công nhận hay hợp pháp hóa lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan.
[Hy vọng từ vòng đàm phán đầu tiên giữa phương Tây và Taliban]
Cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tới đây giữa đại diện chính quyền Taliban tại Afghanistan với các nước phương Tây được cho là cơ hội để “chuyển đổi bầu không khí chiến tranh" sau hai thập kỷ đối đầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid cho biết lực lượng này đã thực hiện các bước để đáp ứng các yêu cầu của phương Tây và hy vọng tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các các nước. Ông này khẳng định Taliban mong muốn "biến bầu không khí chiến tranh ... thành hòa bình."
Tình hình nhân đạo tại Afghanistan đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi lực lượng Taliban trở lại lãnh đạo đất nước hồi tháng 8/2021. Các khoản viện trợ quốc tế tạm thời bị gián đoạn và Mỹ đã phong tỏa khối tài sản trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại nước ngoài.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, nạn đói đang đe dọa 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số nước này. Trong năm nay, Afghanistan cần khoản viện trợ 5 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo trong nước./.