Taliban xác nhận sẽ cử đại diện tham gia cuộc hòa đàm tại Nga

Nhóm Taliban tại Afghanistan ngày 6/11 thông báo sẽ cử đại diện tham gia cuộc đối thoại đa phương diễn ra tại Moskva vào tháng này nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua.
Taliban xác nhận sẽ cử đại diện tham gia cuộc hòa đàm tại Nga ảnh 1Lực lượng an ninh Afghanistan điều tra tại hiện trường một vụ tấn công ở Kabul ngày 31/10/2018. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Nhóm phiến quân Taliban tại Afghanistan ngày 6/11 thông báo sẽ cử đại diện tham gia cuộc đối thoại đa phương diễn ra tại Moskva (Nga) vào tháng này nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua ở quốc gia Tây Nam Á.

Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội, người phát ngôn của phiến quân Taliban Zabiullah Mujahid cho hay có thể cử đại diện cấp cao của nhóm này tại trụ sở ở Qatar tham dự sự kiện trên.

Tuyên bố của Taliban nhấn mạnh hội nghị này không phải là để thảo luận với bất kỳ bên nào cụ thể, và đây là diễn đàn nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột cũng như chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Tuyên bố của Taliban nêu trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan thông báo sẽ cử phái đoàn tham dự cuộc đàm phán hòa bình đa phương ở Moskva.

Trước đó, ngày 3/11, Nga tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc hòa đàm vào ngày 9/11 tới nhằm khởi động tiến trình đối thoại hòa bình giữa chính quyền Kabul và phiến quân Taliban. Nga cũng đã mời Mỹ, Ấn Độ, Iran, Trung Quốc, Pakistan và một số nước Trung Á khác tham dự sự kiện này.

Những năm gần đây, Taliban chiếm giữ nhiều khu vực trên khắp Afghanistan và thường xuyên tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn. Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2009 tới nay, hơn 26.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang.

[Afghanistan khẳng định sẽ tham dự cuộc hòa đàm ngày 9/11 tại Nga]

Trong khi đó, ngày 6/11, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định các cơ hội hòa bình của Afghanistan hiện nay lớn hơn so với nhiều năm trước, cho dù phong trào Taliban đang đẩy mạnh hoạt động tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và gây ra thương vong cao kỷ lục.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở thủ đô Kabul, ông Stoltenberg nêu rõ: "Cơ hội hòa bình (cho Afghanistan) hiện nay lớn hơn so với nhiều năm trước. Chúng ta cần một tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và phải bao gồm tất cả các thành phần."

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tình hình bạo lực vẫn còn nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh Taliban phải hiểu rằng tiếp tục tấn công là điều vô ích và phản tác dụng.

Ông khẳng định NATO đã quyết định tăng cường sự hiện diện và cử thêm các cố vấn quân sự tới Afghanistan nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á, cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nước thành viên của khối liên minh.

Về phần mình, Tổng thống Ghani cảm ơn NATO vì những hỗ trợ dành cho binh sĩ Afghanistan. Hiện quân đội nước này đang gánh vác trách nhiệm chính trong cuộc xung đột kể từ khi lực lượng chiến đấu của NATO do Mỹ đứng đầu rút đi vào cuối năm 2014. Phái bộ Hỗ trợ Kiên quyết của NATO ở Afghanistan có nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng địa phương. Phái bộ này bao gồm 16.000 binh sĩ trong đó phần lớn là lính Mỹ.

Chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Afghanistan diễn ra trong bối cảnh phiến quân Taliban gia tăng các hoạt động nổi dậy trong khi chính phủ Afghanistan nỗ lực khuyến khích Taliban tham gia tiến trình hòa bình và chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua.

Vài giờ trước khi cuộc họp báo trên diễn ra, phiến quân Taliban đã đột kích một chốt quân sự ở huyện Pusht Koh của tỉnh Farah, miền Tây Afghanistan, khiến ít nhất 20 binh sỹ thiệt mạng và 20 binh sỹ khác mất tích.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2009 tới nay, hơn 26.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.