Tầm quan trọng của ASEAN+3 trong giải quyết các thách thức khu vực

Các thách thức bao gồm ứng phó với COVID-19, phục hồi kinh tế, phát triển nguồn nhân lực trong Công nghiệp 4.0; sớm đưa Hiệp định RCEP có hiệu lực và thúc đẩy mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh.
hó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ ASEAN+3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong giải quyết các thách thức khu vực trong tương lai.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Don Pramudwinai đã đề cập tới các thách thức bao gồm ứng phó với COVID-19, phục hồi kinh tế, phát triển nguồn nhân lực trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và sớm đưa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, kết nối, và Mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG).

Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN+3 trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, đặc biệt là giải quyết các thách thức và khủng hoảng chung trong khu vực.

Hội nghị đã thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác ASEAN+3 về ứng phó với COVID-19 và hợp tác vaccine cũng như tăng cường năng lực khu vực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

[Thái Lan đề xuất đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc theo hướng cùng có lợi]

Hội nghị nhấn mạnh hợp tác ASEAN+3 về phục hồi kinh tế sau đại dịch, thông qua tăng cường hội nhập khu vực và chuỗi cung ứng, cũng như phát triển nguồn nhân lực và kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt trong việc cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực này cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực.

ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm những tiến triển trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình ở Myanmar.

Tại Hội nghị, Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng hơn nữa hợp tác vaccine trong sản xuất, phân phối và nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua nền kinh tế kỹ thuật số và các ngành công nghiệp trong tương lai.

Thái Lan nhắc lại cam kết thúc đẩy sáng kiến "Kết nối các kết nối," đồng thời mời các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia thăm dò hợp tác khu vực về Mô hình BCG như một cách tiếp cận để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế khu vực và tính bền vững trên mọi khía cạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục