"Tam Quốc Chí" đem đến góc nhìn mới về thời đại Tam quốc

Sau gần 10 năm thai nghén, cuối cùng bộ cổ sử “Tam Quốc Chí” của học giả Trần Thọ (Trung Quốc), Bùi Tùng Chi chú thích, đã được chuyển ngữ trọn vẹn và đến với độc giả Việt Nam.
Bộ sách ''Tam Quốc Chí.'' (Nguồn: Vietnam+)

Cuối tháng 5 này, sau gần 10 năm thai nghén, cuối cùng bộ cổ sử “Tam Quốc Chí” của học giả Trần Thọ (Trung Quốc), Bùi Tùng Chi chú thích, đã được chuyển ngữ trọn vẹn và đến với độc giả Việt Nam.

"Tam Quốc Chí" - Nền tảng của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung là một trong “tứ đại danh tác” của văn học cổ điển Trung Quốc, các nhân vật được khắc họa cực kỳ sống động, chiếm trọn trái tim người đọc.

Tuy nhiên, dưới ngòi bút của La Quán Trung, nhân vật bị cường điệu hóa theo quan điểm “Ủng Lưu phản Tào,” các tình tiết được thêm thắt, xáo trộn để phục vụ cho quan điểm ấy.

Vì thế mới nói tác phẩm đó “bảy thực ba hư,” từ đó người ta nảy sinh nhu cầu tìm hiểu về “cái thực” về thời đại Tam quốc, thoát ra hẳn cái không gian hư ảo của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” vốn là sách gối đầu giường của biết bao độc giả Việt Nam từ xưa đến nay.

Từ trước khi “Tam Quốc Diễn Nghĩa” ra đời hơn 1.000 năm, đã có bộ sử “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú thích, nền tảng để La Quán Trung xây dựng nên pho kỳ thư làm mê đắm biết bao người.

"Tam Quốc Chí” chính là một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh nhất, chân thực nhất được mô tả trong sử sách về tình hình biến loạn của một thời kỳ, về các mưu mô tranh bá đồ vương của các thế lực quân phiệt, qua đó nhìn thấy nỗi thống khổ của lê dân suốt trăm năm chiến loạn.

Đọc “Tam Quốc Chí,” độc giả sẽ có những hiểu biết thêm về rất nhiều nhân vật lịch sử khác không được “Tam Quốc Diễn Nghĩa” nhắc đến hoặc chỉ nói thoáng qua, nhưng lời nói và việc làm thực sự của họ lại có tác động không nhỏ đến cảnh biến loạn của cả một thời kỳ.

“Tam Quốc Chí,” hình ảnh các nhân vật được thể hiện thật nhất dưới ngòi bút của sử gia, tình hình kinh tế, chính trị, mưu đồ, mục đích của các thế lực quân phiệt cũng được tái hiện rất rõ nét.

Cái thắng, cái bại, cái được, cái mất của từng nhân vật cũng hiện lên từ lời bình của người viết sử, giúp ta có cái đánh giá đúng nhất về thời kỳ ấy.

Nhờ “Tam Quốc Chí,” người đọc có thể tự chiêm nghiệm, từ đó có những tham chiếu cho những tìm tòi của riêng mình, thấy được các hình tượng điển hình, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn. Còn người nghiên cứu thấy ở đó một kho tài liệu quý về thời đại Tam quốc thông qua các nhân vật lịch sử…


Cơ duyên của bản dịch “Tam Quốc Chí”

Việc biên dịch “Tam Quốc Chí” khởi sinh rất vô tình, bắt nguồn từ một thú vui của nhóm bạn bè yêu thích thời đại Tam quốc quen nhau trên diễn đàn mạng vnn.vn, vanhoathethao.net và Tàng thư viện.

Từ thực tế, đa phần độc giả Việt Nam chỉ biết đến thời đại Tam quốc qua “Tam Quốc Diễn Nghĩa” vốn “bảy thực ba hư,” nhiều người nảy sinh nhu cầu tìm hiểu sự thực về thời đại ấy, nên đã tìm tòi và dịch một số đoạn của “Tam Quốc Chí” để phụ họa cho lời bàn.

Sau khi dịch được khá nhiều bản dịch thô, nhóm dịch thuật gồm Bùi Thông, Phạm Thành Long, Võ Hoàng Giang bắt đầu có ý định gom các bản dịch, nảy ý tưởng làm thành sách, nhưng vẫn coi là thú vui, không hề bị bất cứ sức ép nào.

Khoảng cuối năm 2013, nhóm đã hoàn thành phần dịch thô (hiện vẫn còn lưu giữ trên mạng), bắt đầu thống nhất cách thức, chú thích, cách phân đoạn, chỉnh lý ngữ nghĩa. Đến năm 2015 thì hoàn thành toàn bộ tác phẩm. Đến cuối tháng 5/2016 thì xuất bản thành sách.

Gian nan hành trình biên dịch “Tam Quốc Chí”

“Tam Quốc Chí” là một bộ cổ sử, viết bằng ngôn ngữ Hán cổ, rất khác với Hán văn hiện đại, ngay cả người Trung Quốc bây đọc hiểu nó cũng là việc khó. Vì thế, các dịch giả Trung Quốc biên dịch thành các bản bạch thoại để phổ cập rộng rãi trong cộng đồng.

Khi dịch bộ sách này, ngoài bản gốc Hán văn cổ, nhóm dịch thuật đã sưu tầm rất nhiều các tài liệu nói đến thời Tam Quốc, các bản dịch bạch thoại để đối chiếu nhằm dịch sát nghĩa nhất có thể.

Ngoài việc phải tham chiếu bản dịch của các tác phẩm khác như Sử ký do các bậc tiền bối dịch, đối chiếu với văn bản gốc để tự bổ túc thêm về phương pháp truyền tải ngôn ngữ nhóm dịch thuật tuân thủ mục tiêu truyền đạt đúng nội dung tác phẩm, biểu đạt ngôn ngữ chính xác, cố giữ nét văn cổ.

Ở bộ cổ sử này có rất nhiều các điển tích diễn giải nghĩa của các lời nói, hành động của nhân vật hay lời bình phẩm của người viết sách về nhân vật, cần phải được chú thích rõ ràng nhằm truyền tải nội dung ý văn đến độc giả.

Trải qua quãng thời gian gần 10 năm, đây là lần đầu tiên Tam Quốc Chí của Trần Thọ được chuyển ngữ trọn vẹn ra tiếng Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục