Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - ông Suh Wook- ngày 19/9 nêu rõ việc thực thi Thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đã giúp xoa dịu căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Đồi Mũi tên - chiến trường trọng điểm trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Bộ trưởng Suh Wook đánh giá thỏa thuận lịch sử mà Seoul và Bình Nhưỡng đã ký ngày 19/9/2018 "đã góp phần xoa dịu căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên."
Theo ông Suh Wook, thỏa thuận trên cũng cho phép tiến hành công tác khai quật hài cốt binh sĩ tử trận tại Khu phi quân sự (DMZ) phân cách giữa Hàn Quốc và Triều Tiên - điều đã không thể thực hiện được trong hơn 66 năm sau Chiến tranh Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đồng thời bày tỏ hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ cùng nhau triển khai công tác khai quật hài cốt binh sỹ ở Đồi Mũi tên trong thời gian sớm nhất.
[Hàn Quốc: Thỏa thuận liên Triều sẽ được thực hiện bất chấp trở ngại]
Ông cũng yêu cầu giới chức quân đội duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu, đồng thời thực thi thỏa thuận quân sự phù hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm hướng tới một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một phát biểu trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều ký kết ở Bình Nhưỡng giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được thực hiện bất chấp những trở ngại ở trong và ngoài nước.
Kỷ niệm 2 năm ngày ký kết thỏa thuận này, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh cam kết của Seoul đối với hòa bình vẫn vững chắc, mặc dù thỏa thuận này đã không được hoàn thành nhanh chóng do "những cản trở bên trong và bên ngoài".
Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Hàn Quốc nhớ lại bài phát biểu lịch sử của mình trước 150.000 người dân Bình Nhưỡng 2 năm trước. Ông viết: “Cùng với Chủ tịch Kim Jong-un, tôi đã tuyên bố phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."
Ông nhắc lại hai bên đã đạt được thỏa thuận "cụ thể và thiết thực" trong lĩnh vực quân sự, dẫn đến việc phi quân sự hóa làng đình chiến Panmunjom và khai quật hài cốt binh sỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ông lưu ý: "Kể từ khi ký kết không có vụ đụng độ vũ trang nào giữa hai bên. Đây là tiến bộ rất có giá trị, điều sẽ không thể xảy ra nếu không có mong muốn của những người dân khát khao hòa bình và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế"./.