Tân Chủ tịch ECB đứng trước những nhiệm vụ đầy thách thức

Bà Lagarde cho rằng các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thặng dư ngân sách như Đức và Hà Lan nên tăng chi để chống đỡ cho tình hình tăng trưởng chậm trong khối này.
Tân Chủ tịch ECB Christine Lagarde và người tiền nhiệm Mario Draghi. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/11, bà Christine Lagarde đã chính thức trở thành Tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bối cảnh nội bộ cơ quan này chưa thống nhất được quan điểm về việc nối lại chính sách tiền tệ nới lỏng để đẩy lạm phát lên và ngăn ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL của Pháp, bà Lagarde cho rằng các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thặng dư ngân sách như Đức và Hà Lan nên tăng chi để chống đỡ cho tình hình tăng trưởng chậm trong khối này.

Bà Lagarde nhấn mạnh dù đã phối hợp thành công các chính sách tài chính nhằm bảo vệ Eurozone trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ 2008-2009, nhưng kể từ đó các nước thành viên có thặng dư ngân sách trong khối "thực sự chưa chứng tỏ được nhiều nỗ lực cần thiết."

Bà Lagarde cho rằng các quốc gia thặng dư ngân sách thường xuyên như Hà Lan, Đức và một số ít nước khác nên giảm bớt các điều kiện ràng buộc tài chính nhằm hỗ trợ khắc phục tình trạng mất cân bằng hiện nay.

Một ngày trước khi tiếp quản vị trí Chủ tịch ECB từ người tiền nhiệm Mario Draghi, bà Lagarde kêu gọi các quốc gia nói trên tăng chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và đổi mới. Bà Lagarde cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc thiết lập ngân sách chung lớn hơn nữa của 19 quốc gia Eurozone.

[Cựu lãnh đạo IMF Christine Lagarde tiếp quản 'ghế nóng' tại ECB]

Trước đó, hồi đầu tháng 10/2019, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Eurozone đã nhất trí những nội dung cơ bản trong một ngân sách chung của khối, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tham vọng mà Tổng thống Pháp đề xuất. Ngân sách này được giới hạn ở mức 17 tỷ euro (gần 19 tỷ USD) trong vòng bảy năm và sẽ được gắn với ngân sách của Liên minh châu (EU).

Xuất phát từ các chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, công cụ trên chỉ hỗ trợ các chính phủ chấp nhận thực hiện các cải cách khó khăn, như cắt giảm lương hưu hoặc tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh.

Ngân sách trên vẫn cần phải được các nhà lãnh đạo của Eurozone thông qua. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là liệu tất cả 27 quốc gia EU tham gia các cuộc đàm phán ngân sách của liên minh này có đồng ý chuyển một phần ngân sách toàn khối cho một dự án của Eurozone hay không.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán trong thời gian qua vốn đã căng thẳng vì "sự ra đi" của Vương quốc Anh, gây sức ép buộc các nước giàu phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục