Chiều 25/7 (theo giờ Việt Nam), tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc họp nội các đầu tiên trên cương vị chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 Phố Downing. Đây là cuộc họp với các thành viên chủ chốt trong chính phủ mới gồm chủ yếu là nhân vật có quan điểm ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, còn gọi là "Brexit cứng."
Theo phóng viên TTXVN tại London, phiên họp nội các đầu tiên của ông Johnson chứng kiến sự có mặt của một loạt nhân vật mới so với nội các dưới thời người tiền nhiệm Theresa May, bao gồm ông Dominic Raab và bà Priti Patel, hai gương mặt ủng hộ Brexit cứng rắn lần lượt đảm nhiệm các cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ mới.
Ông Michael Gove, từng nắm giữ chức Bộ trưởng Môi trường dưới thời bà May, giờ đảm nhiệm chức Bộ trưởng Văn phòng Nội các để giám sát việc chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ông Sajid Javid, Bộ trưởng Tài chính, là một trong những gương mặt hiếm hoi trong Nội các mới từng có quan điểm ủng hộ việc Anh ở lại EU.
Phát biểu tại cuộc họp, tân Thủ tướng Johnson khẳng định quyết tâm đưa nước Anh rời khỏi EU trước ngày 31/10/2019, và cam kết sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ông đồng thời nhấn mạnh sự có mặt của hơn 30 quan chức cấp cao trong chính phủ mới cho thấy “bề dày và độ sâu về năng lực” lãnh đạo của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, theo một số nhận định trong giới phân tích tại Anh, cơ cấu của Nội các mới cho thấy đảng Bảo thủ đã bị chi phối từ trên xuống dưới bởi những nhân vật có tư tưởng thiên hữu một cách rõ ràng.
Dự kiến sau phiên họp nội các, chiều cùng ngày, ông Johnson sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hạ viện Anh để trình bày các ưu tiên của mình trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng. Bài phát biểu này được kỳ vọng cũng sẽ là phép thử đối với phản ứng của toàn thể Hạ viện Anh trước việc đảng Bảo thủ lựa chọn ông Boris Johson lên làm Thủ tướng. Ngay lúc này đã có thông tin về việc bà Jo Swinson, lãnh đạo mới của đảng Dân chủ Tự do, đang gây sức ép đòi ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, ủng hộ dự luật bỏ phiếu bất tín nhiệm với tân Thủ tướng Johnson để hướng tới một cuộc tổng tuyển cử sớm.
[Tân Thủ tướng Anh chỉ trích các điều khoản trong thỏa thuận Brexit]
Tuy nhiên, phía Công đảng đã cho biết ông Corbyn không ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ và Thủ tướng mới vào lúc này, vì nhiều khả năng ông Johnson sẽ chiến thắng một cách dễ dàng và qua đó càng củng cố thêm uy tín cho đảng Bảo thủ.
Ông Johnson cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ ngay trong đảng của mình. Việc ông loại bỏ đến 15 gương mặt trong Nội các cũ của bà May sẽ kéo dài thêm danh sách những nghị sỹ Bảo thủ có quan điểm chống lại ông và chính phủ tại Hạ viện. Trong đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond dự kiến sẽ lãnh đạo phe phản đối kịch bản Brexit không thỏa thuận khi Hạ viện Anh họp trở lại vào tháng 9 tới.
Trong trường hợp ông Johnson không giành được một thỏa thuận Brexit mới từ EU đủ để thuyết phục được các nghị sỹ đồng thời lại không tự quyết được việc Brexit không thỏa thuận, tình trạng bế tắc chính trị sau đó nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh.
Trên thực tế, hiện nhiều nghị sỹ Bảo thủ đã chuẩn bị cho kịch bản bầu cử sớm ngay trong tháng 10 tới - khi ông Johnson nhiều khả năng sẽ phải tìm sự phê chuẩn của Quốc hội Anh cho trường hợp Brexit không thỏa thuận với sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage - hoặc một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về Brexit trong nửa đầu năm 2020./.