Theo THX, ngày 6/7, giới phân tích Philippines cho rằng tân Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đang áp dụng cách tiếp cận "hạ cánh mềm" trong việc tìm cách khôi phục quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, vốn đã căng thẳng trong những năm qua do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo giới phân tích, đây là sự chuyển hướng so với người tiền nhiệm Benigno Aquino III - chính quyền năm 2013 đã đơn phương kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) phản đối những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Phó Giáo sư Richard Heydarian thuộc Đại học De la Salle cho biết Tổng thống Duterte "đang áp dụng cách tiếp cận rất khác, liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải can dự trực tiếp và khôi phục các quan hệ song phương. Ông (Duterte) đang phát đi tín hiệu rằng cả các vụ tranh chấp biển lẫn vụ kiện lên PCA sẽ không định rõ kết cấu tổng thể các mối quan hệ song phương."
Ông Heydarian nhấn mạnh rằng Tổng thống Duterte đặc biệt sẽ chủ trương "hạ cánh mềm" sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện trên vào ngày 12/7 tới và nhiều khả năng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông. Ông Heydarian khẳng định "sắp diễn ra nhiều vụ thương lượng" giữa Philippines và Trung Quốc.
Còn Giáo sư khoa học chính trị Philippines, ông Benito Lim phân tích rằng ông Duterte muốn can dự vào Trung Quốc, thể hiện lập trường rõ ràng với Bắc Kinh rằng ông muốn đàm phán trực tiếp và không muốn chiến tranh với Trung Quốc, cho dù là "khẩu chiến."
Ông Lim đánh giá đây là bước đi hợp lý đối với chính quyền Duterte, đồng thời nhận định hai nước có thể cải thiện bằng cách ký kết "các thỏa thuận hợp tác và có lợi."
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia Philippines, Rommel Banlaoi cho rằng Tổng thống Duterte muốn để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc trên nhiều phương diện của quan hệ ngoại giao, như kinh tế và thương mại, chứ không chỉ về các vấn đề chính trị như Biển Đông./.