Tân Tổng thư ký LHQ chủ trì thảo thuận an ninh cho đảo Cyprus

Đây là sự can dự quan trọng đầu tiên của ông Guterres vào một cuộc xung đột vốn nằm trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc hơn nửa thế kỷ qua.
Đại diện các bên tại vòng đàm phán mới về tái thống nhất đảo Cyprus ở Geneva ngày 9/1/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/1, Ngoại trưởng các nước Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để bàn về thỏa thuận an ninh cho việc tái thống nhất đảo Cyprus.

Cuộc họp do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chủ trì.

Đây là sự can dự quan trọng đầu tiên của ông Guterres vào một cuộc xung đột vốn nằm trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc hơn nửa thế kỷ qua.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng tham dự sự kiện này. Cuộc họp này diễn ra sau ba ngày đàm phán giữa lãnh đạo hai cộng đồng đối địch trên đảo Cyprus với nhiều kết quả tích cực.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về vấn đề đảo Cyprus, Espen Barth Eide cho rằng đây là "thời điểm cần sự chân thật" và một thỏa thuận nhằm tái thống nhất hòn đảo bị chia cắt hơn 40 năm qua đang "trong tầm tay."

Ông cũng nhấn mạnh cuộc hòa đàm đang đi đúng hướng.

Cho đến nay, đại diện cộng đồng gốc Hy Lạp kiên quyết yêu cầu phía người gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn trả một phần lãnh thổ hiện nay và cho phép nhiều người gốc Hy Lạp được hồi hương sau khi rời họ phải rời bỏ năm 1974.

Cộng đồng gốc Hy Lạp cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút toàn bộ binh sỹ của mình khỏi đảo Cyprus, trong khi cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ sự hiện diện quân sự này.

Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."

Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục