Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.
Đây là một phần của thực trạng bộ máy hành chính nhà nước được chỉ ra trong báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Nội dung quan trọng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 được Quốc hội dành cả ngày 30/10 để thảo luận ở hội trường.
Tổ chức bộ máy của Chính phủ chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, báo cáo được xây dựng trên cơ sở giám sát thực tế, nghiên cứu tài liệu, làm việc trực tiếp tại cơ sở được giám sát; tổng hợp các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các tài liệu có liên quan. Kèm theo báo cáo có tổng số khoảng 6.000 trang tài liệu.
Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa thật đồng bộ, còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số văn bản chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện.
[Cần xử lý nghiêm tình trạng lạm phát cấp phó ở một số địa phương]
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý nhà nước được nâng lên, đã từng bước khắc phục được nhiều việc chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các bộ, ngành. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay.
Theo ông Định, hiện vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là : ngoài Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức phòng trong vụ. Hiện vẫn có 16 Bộ, cơ quan duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có từ 5-7 phòng/vụ.
Một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân
Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương; tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý... là điều báo cáo giám sát đã chỉ ra.
Theo báo cáo, tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương); chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền bước đầu được thực hiện nhưng vẫn chưa đồng bộ và triệt để. Một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về như một số nội dung trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hoặc việc đăng ký quyền sử dụng đất.
Thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã. Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh, từ trên 729.500 người giai đoạn tháng 8/2011 lên trên 837.600 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng hơn 108.000 người, trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2-0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.
Biên chế viên chức tăng nhanh
Theo ông Nguyễn Khắc Định, những năm 2014-2016, mỗi năm bình quân giảm 4.000 biên chế công chức, nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.
Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong hai năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%.
[Từ chuyện “lạm phát” lãnh đạo, cần “chưng cất” lại bộ máy hành chính]
Trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh, năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).
Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng chỉ ra là các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước đổi mới phương thức làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mang lại nhiều kết quả tốt nhưng thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà; trong xã hội vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai, sự quan liêu, cửa quyền trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Xác định nguyên nhân, Đoàn giám sát nhận định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện; trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết về tổ chức bộ máy và văn bản liên quan nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế. Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp xử lý mới quyết định được; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.
Rà soát chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận trên cơ sở xác định rõ vai trò Nhà nước-Thị trường-Xã hội. Tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động./.