Tăng cường công tác với người Việt ở nước ngoài: 5 năm một chặng đường

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, việc nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi tiếp nhận 50.000 khẩu trang do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao tặng cho kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn; vai trò, vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chung của đất nước theo mục tiêu Đảng đề ra.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có bài viết: “Chỉ thị 45-CT/TW về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài: 5 năm một chặng đường."

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết:

“Giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) của đất nước ta chuẩn bị khép lại với những thành tựu đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2015-2020 ước tăng khoảng 6,8%, đạt mục tiêu đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực. Quy mô GDP của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng trên 340 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện với GDP bình quân đầu người ở mức 2.750 USD, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường.

Có được những thành tựu trên, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương được tổ chức tháng 1/2019, đó là do ý Đảng hợp với lòng dân, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao, là sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp quý báu và quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. 16 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX (Nghị quyết 36) ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 45) ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 là minh chứng sống động của ý Đảng hợp với lòng dân, là nền tảng thúc đẩy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới, chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, đòi hỏi huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị

Nhìn lại 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, có thể thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chính là sức mạnh tạo nên thành công của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để chủ trương “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đi vào đời sống của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đối với đồng bào ta ở nước ngoài, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào trong những dịp đi công tác nước ngoài hoặc dịp kiều bào về thăm quê hương. Tình cảm đó càng được thể hiện rõ khi bà con phải đối mặt với những khó khăn của dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quan tâm, lo lắng cho bà con, trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực triển khai công tác hỗ trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài về thông tin tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ lương thực, vật tư y tế cho cộng đồng tại một số địa bàn khó khăn, khẩn trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân mắc kẹt, người có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về nước tránh dịch; đồng thời, đề nghị Chính phủ các nước có biện pháp hỗ trợ cuộc sống và đảm bảo về chăm sóc y tế cho bà con mắc bệnh.

[Chuyện của người đón, tiễn những chuyến bay giải cứu công dân]

Bên cạnh đó, những chính sách liên quan đến lợi ích thiết thân của kiều bào như quốc tịch, xuất nhập cảnh, giáo dục đào tạo, nhà ở, chế độ hỗ trợ, đãi ngộ người có công với cách mạng… tiếp tục được quan tâm và từng bước được luật hóa. Những khó khăn về địa vị pháp lý của kiều bào ở một số địa bàn đang dần được tháo gỡ, đạt được những kết quả thuận lợi.

Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con xa quê hương cũng luôn được quan tâm, thúc đẩy. Các cơ quan trong nước đã tích cực phối hợp triển khai nhiều đề án dạy và học tiếng Việt với hình thức phong phú, đa dạng; cung cấp tài liệu, trang thiết bị giáo dục, tổ chức tập huấn cho giáo viên kiều bào… góp phần nâng cao ý thức gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng. Công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được chú trọng qua hoạt động thúc đẩy và lan tỏa giá trị về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh và giá trị văn hóa dân tộc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng, thúc đẩy xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài… Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con trong cộng đồng luôn được quan tâm, hỗ trợ.

Nhu cầu thông tin về tình hình trong nước của cộng đồng đã được quan tâm đáp ứng tốt hơn. Nhiều cơ quan truyền thông đã coi trọng việc đưa tin đến với kiều bào, mở chuyên mục về người Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao chất lượng nội dung, chuyển tải thông tin cập nhật về tình hình đất nước và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Việc tạo điều kiện cho các phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp đưa tin về các sự kiện chính trị, quốc tế lớn trong nước như APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019..., về sự phát triển của đất nước, các vấn đề được cộng đồng quan tâm giúp kiều bào cập nhật thông tin, góp phần đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa gắn kết kiều bào, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương tiếp tục được triển khai ở trong và ngoài nước như: Chương trình Xuân Quê hương, Đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè cho thanh niên, sinh viên, gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Văn hóa Việt Nam, chương trình biểu diễn nghệ thuật, kỷ niệm các lễ lớn của đất nước… Nhiều cá nhân từng có thành kiến, định kiến đã được vận động thuyết phục và tạo điều kiện trở về quê hương chứng kiến tận mắt sự phát triển của đất nước, thăm, viếng người thân, bạn bè, qua đó đã có chuyển biến về thái độ và quan điểm.

Nổi bật trong giai đoạn vừa qua là hoạt động thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đã được các cơ quan liên quan phối hợp thúc đẩy mạnh mẽ, có sự thay đổi rõ rệt về chất với việc tạo cơ chế, triển khai nhiều hoạt động, hình thức thu hút, trọng dụng trí thức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó tập trung vào lực lượng trẻ, được đào tạo, trưởng thành ở nước ngoài.

Các vướng mắc của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học khi về địa phương đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học cũng được hỗ trợ giải đáp, tháo gỡ. Các mạng lưới chuyên gia, doanh nhân được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề cấp thiết ở trong nước. Một số người Việt Nam ở nước ngoài cũng được tạo điều kiện tham gia vào một số cơ chế quan trọng như Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Cộng đồng ngày càng lớn mạnh và gắn bó với quê hương, đất nước

Cùng với sự phát triển và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay đã có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 18% trong vòng 5 năm.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, ngày càng có nhiều kiều bào tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau. Theo ước tính, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một thế hệ trí thức mới người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học...

Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Trong những năm qua, nhiều cơ sở tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập, duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tâm linh. Phong trào dạy và học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh. Một số chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngoại ngữ tại nhiều bậc học.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước và duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sỹ kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật..., tích cực tham gia ý kiến vào nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng… Đáng chú ý, thời gian gần đây, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã định cư và có công việc ổn định ở nước ngoài, về nước lập nghiệp đã trở thành xu hướng mới; hình thành mạng lưới kiều bào trẻ, thúc đẩy nhiều ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang đóng vai trò tích cực, là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Nhiều doanh nghiệp người Việt đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới.

Trong 5 năm gần đây, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trưởng trung bình 6%/năm), góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng hành cùng nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, kiều bào đã tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”, qua đó góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” qua việc hưởng ứng tích cực, tham gia ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh ở trong nước. Đặc biệt, cộng đồng đã chung sức, đồng lòng ủng hộ trong nước phòng, chống đại dịch COVID-19, với khoản tiền đóng góp khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế. Trong đợt thiên tai lũ lụt miền Trung vừa qua, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả những địa bàn đặc biệt khó khăn như Campuchia, đã tích cực quyên góp. Đến nay, kiều bào đã quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm giúp đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lụt nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Công dân Việt Nam từ Frankurt (Đức) trở về nước làm thủ tục tại Sân bay Vân Đồn. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc sống của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc, nhiều nước ngày càng thắt chặt chính sách di trú, cư trú hoặc có chính sách phân biệt đối xử đối với ngoại kiều.

Do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, công ăn việc làm, việc học tập, đi lại của người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các hội đoàn truyền thống gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng hoạt động, xây dựng và phát triển lớp trẻ kế cận. Xu hướng trẻ hóa cơ cấu, thành phần cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đặt ra thách thức về việc mai một dần các giá trị truyền thống và ngôn ngữ dân tộc... Những khó khăn, thách thức của cộng đồng tiếp tục đặt ra những yêu cầu trong công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn tiếp theo.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45 cho thấy những bài học quan trọng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Về nhận thức, cả hệ thống chính trị và người dân cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài - công tác dân vận đặc biệt. Những chủ trương lớn trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 là định hướng cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong triển khai thực hiện, phải tiến hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần có sự đồng bộ nhất quán trong ban hành và triển khai thực hiện các đường lối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và song hành với chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên của các ban, bộ, ngành và địa phương cũng như các cơ quan thông tấn báo chí, sự chủ động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và sự tích cực tham gia của các tổ chức, hội đoàn về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng không ít những thời cơ, vận hội cho đất nước. Trong nước, đất nước chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới với nền tảng thuận lợi cho một sức bật mới mạnh mẽ sau gần 35 năm đổi mới như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."

Để công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chung của đất nước theo mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, đồng thời cụ thể hóa công tác NVNONN trong thời gian tới. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác trọng tâm “tăng cường hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xây dựng triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài."

Chúng ta tin tưởng rằng trên con đường phía trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của 97 triệu người dân trong nước cùng sự đồng hành, tấm lòng hướng về quê hương của 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta sẽ xây dựng được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục