Đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh, đặc biệt bàn biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba tỉnh.
Thượng tá Phí Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) cho biết hiện nay thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi.
Các đối tượng thường sử dụng tàu không số, lắp máy ôtô làm máy hút cát đặt âm trong hầm tàu để giảm tiếng ồn và thường lợi dụng khai thác vào lúc trời tối, trời mưa, ở địa bàn giáp ranh. Thậm chí, các đối tượng còn bố trí người cảnh giới trên bờ để thông báo cho các tàu, thuyền khi lực lượng chức năng xuất hiện...
Khi bị phát hiện, bắt giữ, nhiều trường hợp đã chây ì, không ký biên bản, không đưa tàu về nơi tạm giữ, bỏ tàu lên bờ, thậm chí còn huy động người vây ép, vu khống, gây sức ép đối với lực lượng chức năng.
Tỉnh Thái Bình có 19 km sông Hồng giáp ranh với 6 xã của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và có 2 km sông Hồng, 28 km sông Luộc giáp ranh với tỉnh Hưng Yên. Các mỏ cát tập trung nằm ở tuyến sông Hồng. Giữa ba tỉnh Thái Bình-Hưng Yên-Hà Nam có chung bãi nổi với trữ lượng cát đen tương đối lớn.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Thái Bình đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khai thác cát; phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy Hưng Yên, Hà Nam tham mưu Giám đốc Công an ba tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến sông Hồng; tổ chức cho chủ các phương tiện đường thủy ký cam kết không khai thác cát trái phép.
Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy còn hướng dẫn người dân sinh sống ven sông tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi khai thác cát trái phép...
[Xử lý nghiêm sai phạm trong khai thác cát lòng hồ Dầu Tiếng]
Kết quả, từ tháng 3/2014 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Thái Bình đã phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý gần 90 trường hợp khai thác cát trái phép và đã xử phạt trên 1 tỷ đồng; trong đó phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy tỉnh Hưng Yên, Hà Nam xử lý 15 trường hợp, xử phạt trên 300 triệu đồng.
Thượng tá Phí Văn Tuyến cho rằng do làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh, đến nay tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh đã giảm nhiều và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, tình hình khai thác cát trên các tuyến sông, đặc biệt là tuyến giáp ranh giữa ba tỉnh có nơi, có lúc diễn biến hết sức phức tạp... Trong số các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cũng còn những doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện khai thác cát. Cá biệt, trước đây có dự án nạo vét lòng sông của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép cho Công ty Phúc Lợi, còn trùng cả vào các điểm mỏ đã được Ủy ban Nhân dân các tỉnh cấp phép cho một số đơn vị khai thác cát, dẫn đến tình hình phức tạp.
Các công ty được cấp phép khai thác còn thiếu kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tàu, thuyền vào đúng vị trí mỏ, để xảy ra việc khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác gần bờ, ảnh hưởng đến các hộ dân có đất canh tác ở ven sông và tiềm ẩn các yếu tố gây phức tạp an ninh trật tự.
Cũng theo Thượng tá Phí Văn Tuyến, hiện nay có gần 300 phương tiện tàu, thuyền chuyên khai thác, vận chuyển cát trên các tuyến sông của tỉnh Thái Bình, trong đó 16 phương tiện có biểu hiện hoạt động khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh ba tỉnh.
Thượng tá Phí Văn Tuyến đề xuất trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân ba tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, xác định mốc giới để làm cơ sở cho công tác cấp phép, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh.
Các địa phương rà soát, thống nhất về chế độ khai thác, thời gian khai thác, giá cát của các mỏ tại địa bàn giáp ranh để phòng ngừa cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết rút giấy phép khai thác đối với đơn vị vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, đã bị cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện. Đồng thời, các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, nhiên liệu, phương tiện cho lực lượng cảnh sát đường thủy.
Lãnh đạo công an ba tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, khu vực giáp ranh thực hiện nghiêm quy chế giữa công an của ba tỉnh về việc phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến sông Hồng./.