Tầng ozone của Trái đất dự kiến sẽ phục hồi trong vòng 40 năm tới, khi các hóa chất bào mòn "tấm lá chắn" này đang dần bị loại bỏ khỏi hoạt động sử dụng của con người. Thông tin do một nhóm chuyên gia quốc tế được Liên hợp quốc hậu thuẫn công bố.
Nhóm này, chịu trách nhiệm công bố một báo cáo mới về tầng ozone sau mỗi 4 năm, ghi nhận thế giới đã loại bỏ dần gần 99% các hóa chất làm suy giảm tầng ozone.
Lượng phát thải toàn cầu liên quan tới hóa chất chlorofluorocarbon-11 (CFC-11) bị cấm, được sử dụng làm chất làm lạnh và trong xốp cách nhiệt, đã giảm đáng kể từ năm 2018 sau khi tăng đột biến trong vài năm.
Hóa chất clo làm suy giảm tầng ozone đã giảm 11,5% trong tầng bình lưu kể từ khi đạt đỉnh vào năm 1993. Trong khi đó, hóa chất brom giảm 14,5% kể từ khi đạt đỉnh vào năm 1999.
Nhóm cho biết Nghị định thư Montreal, một thoả thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm loại bỏ dần các hoá chất độc hại, đã hỗ trợ đáng kể cho việc phục hồi tầng ozone.
Nghị định thư Montreal được ký kết vào tháng 9/1987 và có hiệu lực vào năm 1989, là một thỏa thuận môi trường đa phương mang tính bước ngoặt quy định việc tiêu thụ và sản xuất gần 100 hóa chất nhân tạo, hay còn gọi là “các chất làm suy giảm tầng ozon” (ODS).
Nghị định thư Montreal đã mang lại lợi ích cho những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, giúp tránh sự nóng lên toàn cầu vào khoảng 0,5 độ C. Vào năm 2016, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, yêu cầu giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ hydrofluorocarbon (HFC).
Bà Meg Seki, thư ký điều hành của Ban thư ký Ozone thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cho biết: “Vai trò của Nghị định thư Montreal đối với việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là không thể phủ nhận. Trong 35 năm qua, Nghị định thư đã trở thành “tấm bùa hộ mệnh” đối với môi trường."
Liên hợp quốc cũng cho biết một sửa đổi với Nghị định thư Montreal, được thực hiện vào năm 2016, đã giúp giảm đáng kể tình trạng biến đổi khí hậu. Bản sửa đổi yêu cầu các cường quốc trên toàn cầu giảm sản xuất và tiêu thụ nhiều loại HFC. Mặc dù HFC không ảnh hưởng trực tiếp đến tầng ozone nhưng chúng vẫn được xem là những loại khí nhà kính mạnh.
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, Giáo sư Petteri Taalas, cho biết: “Hoạt động của tầng ozone tạo ra một tiền lệ để hành động vì khí hậu. Thành công của chúng ta trong việc loại bỏ dần các hoá chất phá huỷ tầng ozone đã cho tất cả thấy rằng chúng ta có thể và cần phải làm những gì - như một giải pháp cấp bách - để chuyển nhanh khỏi nhiên liệu hoá thạch, giảm phát thải khí nhà kính, từ đó hạn chế tăng nhiệt độ Trái đất.”
Nghiên cứu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) được công bố năm 2022 cho thấy nồng độ của các hoá chất làm suy giảm tầng ozone trên toàn cầu đã giảm hơn 50% tại khu vực tầng bình lưu của Trái đất, so với mức được quan sát thấy vào năm 1980.
Tầng ozone nằm trên thượng tầng khí quyển, có vai trò bảo vệ Trái đất khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt trời. Các bức xạ này được cho là có liên quan đến bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể ở mắt, làm tổn hại hệ thống miễn dịch và gây những tác động bất lợi cho đất nông nghiệp.
Việc khám phá lỗ thủng trong tầng ozone lần đầu tiên được công bố bởi ba nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, vào tháng 5/1985.
Các nhà khoa học đánh giá quá trình phục hồi của tầng ozone đang diễn ra dần dần và sẽ mất nhiều năm. Nếu các chính sách hiện tại vẫn được duy trì, tầng ozone dự kiến sẽ phục hồi về mức năm 1980, tức trước khi xuất hiện lỗ thủng tầng ozone, vào năm 2040, và sẽ trở lại bình thường ở Bắc Cực vào năm 2045. Nam Cực có thể đạt trạng thái bình thường vào năm 2066.
Sự thay đổi về kích thước của lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực, đặc biệt là từ năm 2019 đến năm 2021, chủ yếu là do các điều kiện khí tượng. Tuy nhiên, sự phá vỡ tầng ozone ở Nam Cực đang dần được cải thiện về diện tích và độ sâu kể từ năm 2000./.