Là địa phương được lựa chọn làm địa điểm đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí và tầm quan trọng vượt trội trong những năm qua.
Tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của thị trường chứng khoán thành phố, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã đưa ra thông điệp và kêu gọi doanh nghiệp thành viên hưởng ứng các hoạt động hướng đến một thị trường chứng khoán bền vững.
Năm nay, dự báo nguồn vốn đầu tư vào thị trường mới nổi như Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và những khó khăn.
Ngành tài chính ngân hàng cũng như các công ty quản lý quỹ trên thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt việc quản lý sử dụng nguồn vốn, dòng tiền bằng những quy định và những giới hạn mới trong tiêu chí đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo các chuyên gia, trên thực tế các chỉ số tài chính tích cực như số lượng tài sản to lớn và lợi nhuận cao chưa phản ánh được hết hoạt động và rủi ro tiềm ẩn thực sự của doanh nghiệp.
Trong khi đó, chính những thông tin và hoạt động phi tài chính của doanh nghiệp ngày càng có ảnh hưởng đáng kể đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp và các đối tác.
Các nhà đầu tư quốc tế đang hướng sự quan tâm nhiều hơn tới các thông tin phi tài chính của các các công ty để hiểu rõ hơn về giá trị, hiệu quả, uy tín và tính bền vững đối với các lựa chọn đầu tư.
Vì vậy, phát triển bền vững đang trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng.
Với Việt Nam, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt, cần đảm bảo cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường với phát triển xã hội.
Đây là trách nhiệm chung cần có sự phối hợp đồng bộ và cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các nhà hoạch định chính sách, các đối tác hữu quan, các thành viên tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp cho thấy, phát triển bền vững đòi hỏi đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế thể hiện ở tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Từ việc đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ tạo điều kiện cần để thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, phát triển bền vững là một nội dung chiến lược được tất cả các quốc gia quan tâm và đã trở thành yêu cầu phát triển tất yếu, trong đó có Việt Nam.
Tại các công ty niêm yết, phát triển bền vững cần sự kết hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế với thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, nhằm gia tăng và cân bằng lợi ích các bên như cổ đông, nhà đầu tư, người lao động...
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp xem ESG (các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị) là đầu tư tốn kém chi phí chứ không phải là cơ hội, nên việc thực hiện đầu tư có trách nhiệm vẫn là một trong những thách thức lớn.
Doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về ESG, vì khi xác định được rõ các rủi ro, lãnh đạo doanh nghiệp mới tận dụng được cơ hội chuyển đổi tích cực, tăng cường quản trị rủi ro nội bộ, củng cố quy trình quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá trị thương hiệu.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng thu hút được những nguồn vốn tốt dài hạn từ những nhà đầu tư tổ chức, cải thiện hiệu quả tài chính và tạo ra các giá trị bền vững trong dài hạn.
Ông Lê Anh Minh, đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho hay hướng đến phát triển bền vững, Dragon Capital đã thực hiện nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, đồng thời đến nay đã sửa đổi và cập nhật 7 lần chính sách và hệ thống lý quản lý ESG.
Gần đây nhất, với sự hỗ trợ của Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), Dragon Capital tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý ESG, từ đó bám sát hơn thực tế của môi trường đầu tư và có được những điều chỉnh cần thiết trong phương pháp đánh giá cho phù hợp với chiến lược đầu tư của các quỹ.
Ông Lê Hải Trà, Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm nay, HOSE đã đưa ra thông điệp về phát triển bền vững, kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng chính sách về phát triển bền vững tại doanh nghiệp, thông qua việc đảm bảo các công cụ quản lý cụ thể và có những thước đo nhằm đo lường hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Đơn cử, các doanh nghiệp hoạch định chiến lược hoạt động đầu tư vào các dự án xanh, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguồn năng lượng sạch, tái tạo; đồng thời quan tâm nhiều hơn đến người lao động và đóng góp cho xã hội.
Còn đối với các nhà đầu tư, nhất là đối với các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư, những hoạt động của HOSE sẽ định hướng các đơn vị này thực hiện đầu tư theo các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, dùng hoạt động đầu tư để nâng cao ý thức của các doanh nghiệp về phát triển bền vững.
Để đạt được những mục tiêu trên, ông Lê Hải Trà, cho hay HOSE luôn cam kết thúc đẩy các giải pháp thực thi phát triển bền vững cũng như nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quỹ... thực hiện các hoạt động, chương trình phát triển xanh, xây dụng báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế.
Trong đó, HOSE sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa hệ thống, đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc của người lao động, tăng cường các khoản đầu tư và đóng góp cho xã hội.
Mặt khác, HOSE sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục những hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ về phát triển bền vững; nâng cao chất lượng giải thưởng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết; xây dựng chỉ số phát triển bền vững, khuyến khích phát hành trái phiếu xanh.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu của cả nước.
Năm 2016, thị trường chứng khoán trên HOSE tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, quy mô vốn hóa tăng gần 30%, thanh khoản của thị trường tăng trên 24% so với năm 2015.
Cùng với thị trường chứng khoán cả nước, thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhanh chóng, hỗ trợ hiệu quả cho kênh tín dụng ngân hàng và đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.