Tăng trưởng kinh tế góp phần giảm bất bình đẳng ở Indonesia

Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 sẽ góp phần giúp nước này giảm sự bất bình đẳng và nghèo đói, đồng thời tạo ra một tầng lớp trung lưu đông hơn ở quốc đảo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Inside Indonesia)

Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 sẽ góp phần giúp nước này giảm sự bất bình đẳng và nghèo đói, đồng thời tạo ra một tầng lớp trung lưu đông hơn ở quốc đảo.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Indonesia đã giảm từ 16% xuống còn 10%. Tuy nhiên, nó lại tạo ra một khoảng cách giàu-nghèo với biên độ rộng hơn, thể hiện qua hệ số Gini tăng từ 0,32 trong năm 2010 lên 0,41 vào năm nay.

Về viễn cảnh phát triển kinh tế Indonesia năm 2017, bà Sri cho rằng, một sự tăng trưởng kinh tế cao đơn thuần là không đủ, mà cần phải có đủ các điều kiện và toàn diện.

Các chính sách và nỗ lực phát triển nền kinh tế cần tập trung để tạo ra nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang phát triển, coi đây là đối tượng quan trọng cần hướng tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo 5,1% và tỷ lệ lạm phát ở mức 4% trong năm 2017, Bộ trưởng Sri tin tưởng rằng nền kinh tế Indonesia sẽ duy trì hiệu suất tốt trong năm tới.

Tuy vậy, sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu thụ trong nước cũng cần được cân bằng bởi đầu tư để giữ cho cán cân tài chính của đất nước đạt được sự ổn định.

Bà Sri cho biết, nền kinh tế tiêu thụ sẽ phát triển theo định hướng duy trì sức mua trong nước và tầng lớp trung lưu sẽ đóng một vai trò lớn hơn.

Tầng lớp này cần được hỗ trợ bởi chính sách về thuế, tiền lương, để khuyến khích người dân tăng năng suất và thu nhập.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân cần được khuyến khích với các gói kinh tế thuận lợi hơn nữa, để tạo thêm nguồn lực đồng thời thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục