Tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng suy giảm trong nửa đầu năm

Sự sụt giảm thể hiện rõ trong số lượng đơn đặt hàng và vận chuyển một số thiết bị kinh doanh, trong khi thâm hụt thương mại lớn nhất trong 2 năm, thị trường việc làm yếu kém và việc mua nhà sụt giảm.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ, ngày 15/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ, ngày 15/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông tin trên tờ Bloomberg cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng suy giảm trong nửa đầu năm nay do tác động của lạm phát và chính sách duy trì lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, chi tiêu cá nhân - động lực chính của nền kinh tế - giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 1,5% trong trong quý đầu năm nay.

Sự sụt giảm cũng được thể hiện rõ trong số lượng đơn đặt hàng và vận chuyển một số thiết bị kinh doanh, trong khi thâm hụt thương mại lớn nhất trong hai năm, thị trường việc làm yếu kém và việc mua nhà sụt giảm.

Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Comerica, đánh giá nền kinh tế Mỹ đang “hoạt động ở tốc độ thấp trong nửa đầu năm 2024,” dù chi tiêu cá nhân đã phần nào phục hồi trong tháng Năm.

Báo cáo chỉ số kinh tế của chính phủ cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã tăng lên 100,6 tỷ USD trong tháng Năm, mức lớn nhất trong hai năm, khi xuất khẩu giảm.

Ngoài ra, các số liệu cũng thể hiện rõ sự gia tăng hàng tồn kho của các nhà bán buôn và bán lẻ.

Theo nhận định, những dấu hiệu về căng thẳng tài chính, nhu cầu lao động khiêm tốn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và những thách thức từ đồng USD mạnh lên có thể sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.