Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền chính trị

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị, kịch bản ứng phó với mọi tình huống của cuộc bầu cử đã được tiến hành dân chủ, đảm bảo tiến độ, đúng quy trình, quy định.
Đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì (Ba Vì) nghiên cứu tiểu sử các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội) tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề "Ngày hội toàn dân - Bầu cử an toàn, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật."

Các ý kiến tại buổi tọa đàm nhấn mạnh, Quốc hội có vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Quốc hội càng giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tiềm tàng của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững độc lập dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đánh giá về thành tựu của Quốc hội nói chung và Quốc hội khóa XIV nói riêng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về tố tụng, hành chính, kinh tế đã được gấp rút sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Về cơ bản, những tư tưởng tiến bộ của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được cụ thể hóa trong các đạo luật.

Về hoạt động giám sát, giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và của mỗi đại biểu Quốc hội đều được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Nhiều đại biểu đã thể hiện rõ năng lực, bản lĩnh trong hoạt động giám sát, kể cả khi tham gia các hoạt động giám sát, khi phát biểu tại hội trường Quốc hội về các nội dung giám sát, đặc biệt là hoạt động chất vấn.

Qua theo dõi nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha khẳng định những quyết sách của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội luôn sát với thực tế cuộc sống. Hầu hết những vấn đề khó khăn khi Chính phủ trình ra Quốc hội đều được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và đưa ra những quyết sách hợp lý để mở đường cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm khẳng định, trong những năm đổi mới vừa qua, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều bước phát triển quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước. Trong những thành tựu đó có vai trò quan trọng của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết; giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri... Vì thế, việc bầu ra những đại biểu có trách nhiệm, trình độ trong cuộc bầu cử sắp tới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

[TP Hồ Chí Minh: Quyền bầu cử của công dân phải được đảm bảo]

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, những người được giới thiệu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đã trải qua quy trình kỹ lưỡng, đạt tiêu chuẩn pháp luật đề ra. Trên cơ sở đó, cử tri cần tìm hiểu thêm thông tin giữa các ứng cử viên để lựa chọn.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng lưu ý, điều quan trọng là tìm hiểu thông tin đầy đủ. Muốn có thông tin, tốt nhất là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, cử tri nên tìm hiểu thông tin về ứng cử viên trên mạng, phương tiện truyền thông, qua tiểu sử tóm tắt. Cử tri càng có nhiều thông tin thì càng có sự lựa chọn chính xác nhất trong khả năng của mình.

Kiểm tra điểm tập trung kiểm phiếu bầu tại Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” đã thành công tốt đẹp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người dân đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

"Chỉ trong thời gian hơn một tháng, số lượng tham gia rất đông. Như vậy, nếu chúng ta có cách làm phù hợp, thời điểm phù hợp thì sự quan tâm, tham gia của người dân đến tổ chức bầu cử, hoạt động của Quốc hội rất lớn," ông Hiếu khẳng định.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những gợi ý rất quan trọng để tổ chức bầu cử nói chung cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bầu cử nói riêng. Công nghệ thông tin đã kéo gần khoảng cách địa lý. Có đến 74% người dân trả lời câu hỏi của cuộc thi thông qua điện thoại di động cho thấy nếu sử dụng công nghệ thông tin hợp lý thì hoàn toàn có thể làm tốt việc tuyên truyền đến từng người dân.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị, kịch bản ứng phó với mọi tình huống của cuộc bầu cử đã được tiến hành dân chủ, đảm bảo tiến độ, đúng quy trình, quy định. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện tốt quyền chính trị cơ bản của mình, làm nên thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục