Tạo đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch vùng hồ sông Đà

Với hồ Hòa Bình có diện tích hơn 10.450ha, chính quyền tỉnh Hòa Bình khuyến khích các hộ dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ, coi đây là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch.
Cán bộ Chi cục Thủy sản Hòa Bình thả cá giống xuống lòng hồ sông Đà. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Với lợi thế hồ Hòa Bình có diện tích trên 10.450ha nằm ở địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu với chiều dài trên 80km, hồ Hòa Bình có lưu vực rộng lớn, môi trường trong sạch, nguồn lợi phong phú và giàu dinh dưỡng, thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng với các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Đây là tiềm năng lớn, đang được các cấp chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ, coi đây là giải pháp tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.

Khoảng 5 năm trước đây, nạn đánh bắt trái phép thủy sản bằng kích điện, dùng thuốc nổ diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, cũng như gây mất an toàn, an ninh trật tự tại khu vực lòng hồ sông Đà.

Đến nay, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, đồng thời tăng cường tuần tra, rà soát, các lực lượng dân quân các xã phối hợp với lực lượng Công an và các đoàn thể đã ngăn chặn kịp thời tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên vùng lòng hồ sông Đà.

[Hòa Bình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19]

Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng mà nòng cốt là hai lực lượng Công an và dân quân xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động đánh bắt thủy sản cho 100% các bản ven lòng hồ về việc phòng ngừa đấu tranh với các hành vi dùng thuốc nổ, hóa chất, xung kích điện để đánh bắt cá và sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Đồng thời vận động các hộ dân tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện và tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản, không khai thác, đánh bắt thủy sản bằng công cụ kích điện, chất nổ… gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ sông Đà. Đến nay, cơ bản vùng hồ đã trở lại thanh bình vốn có của nó, không còn những vụ tai nạn người dân bị điện giật, chất nổ gây ra tử vong nữa.

Nhắc đến lòng hồ sông Đà, giờ đây mọi người thường nghĩ ngay đến các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu như cá lồng, du lịch bản địa... Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương, ông Nguyễn Đăng Giáp cho biết trước đây đời sống người dân tại xã rất khó khăn, đường xá đi lại các xóm có khi mất cả buổi mới đến nơi.

Đến nay, cơ bản hệ thống giao thông liên xã đã được làm mới, đi lại khá thuận lợi. Từ đó, chính quyền xã xác định mũi nhọn trong phát triển kinh tế là nuôi cá lồng và phát triển du lịch. Qua thời gian thực hiện, nhiều xóm đã xây dựng được những homestay nghỉ dưỡng và trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định về kinh tế cho bà con.

Với sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành và sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp nên lực lượng dân quân luôn được chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, kỹ chiến thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao, luôn là lực lượng nòng cốt trong mọi nhiệm vụ ở địa phương, nổi bật là giữ gìn tình hình an ninh chính trị, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh và trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Trong thời kỳ kinh tế mở, cuộc sống bà con vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, việc chọn việc làm phù hợp, có thu nhập cao là nhu cầu tất yếu. Làm thế nào để giữ được lực lượng dân quân tại địa phương. Để xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, trước hết, các địa phương đều quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động đối với lực lượng dân quân.

Khu vực nuôi cá lồng xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Nhiều địa phương đã có những chính sách ưu tiên như tạo việc làm, cho dân quân vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế như giao cho trung đội dân quân một số diện tích đất canh tác hoặc bảo vệ, thi công các công trình công cộng để gây quỹ hoạt động. Nhờ đó, lực lượng dân quân nòng cốt đều có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương.

Ông Triệu Văn Tài, Dân quân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình đã tập trung chăm lo, xây dựng và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lực lượng dân quân, tự vệ. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn giữ ổn định, trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển.

Vùng lòng Hồ được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là vùng phát triển kinh tế mũi nhọn về nuôi trồng thủy sản và du lịch. Do đó, xây dựng lực lượng dân quân vùng lòng hồ vững mạnh là yêu cầu cấp thiết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình Lường Văn Thi nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương cùng nhân dân đoàn kết, phát huy tối đa lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, huyện phát huy tối đa tiềm năng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà để phát triển nông nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở những khu vực có điều kiện; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ trên hồ Hòa Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa.

Các xã đã có những chính sách ưu đãi cho các hộ dân quân, cũng như tạo điều kiện thành lập các chuỗi cung ứng giống, thức ăn, vừa chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ trong sản xuất. Hình thành chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản giữa các xóm, xã, hộ dân với nhau; khuyến khích và xây dựng điểm mô hình để các xóm, xã và tổ chức cho lực lượng dân quân vùng lòng hồ có nhu cầu học tập, tham quan thực tế để phát triển kinh tế gia đình.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngoài nuôi cá lồng, nhiều hộ gia đình dân quân đã thực sự trở thành những điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình như mô hình nhà nghỉ homestay, mô hình trồng măng bát độ, nuôi lợn thịt, nuôi gà… Do đó, đến nay 100% hộ gia đình dân quân không có hộ đói, không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm dưới 7%, trên 50% hộ gia đình dân quân có thu nhập từ 50 triệu đồng/ người/năm.

Từ những việc làm thiết thực cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền các xã vùng lòng hồ Hòa Bình đã và đang xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục