Tập thơ “Hải Vân hoa bút": Tâm hồn Việt của một người xa xứ

“Hải Vân hoa bút” là tập thơ của một người xa xứ - tác giả Ngô Hải Vân - nhưng mang theo một di sản quan trọng là giọng nói, tâm hồn rất Việt Nam.
Tập thơ 'Hải Vân hoa bút.' (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Tập thơ “Hải Vân hoa bút” của tác giả Ngô Hải Vân chính thức được Nhà xuất bản Hội Nhà văn giới thiệu tới công chúng chiều 13/4, tại Hà Nội. 

Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, dịch giả tham dự sự kiện đều thống nhất “Hải Vân hoa bút” là tập thơ của một người xa xứ, nhưng mang theo một di sản quan trọng là giọng nói, tâm hồn rất Việt Nam.

Ngôn ngữ trong thơ của Ngô Hải Vân là sự trong sáng, thuần Việt, thể hiện tình yêu sâu đậm của tác giả với quê hương, đất nước.

Ngoài các thể thơ truyền thống như lục bát, song thất, Đường luật, tác giả cũng rất thuần thục trong các thể thơ 5 chữ, 6 chữ, thơ tự do với hồn thơ giàu tính nữ. 

Chúc mừng sáng tác đầu tay của nhà thơ Ngô Hải Vân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho rằng tập thơ giúp người đọc có thêm tình yêu với quê hương đất nước. Những câu thơ của Ngô Hải Vân viết về Tổ quốc, xứ sở của mình rất đẹp. Ở đó có một kỹ thuật điêu luyện làm cho ngôn từ kết lại và nở ra những đóa hoa - đóa hoa của tình yêu quê hương, đất nước.

Cả thế giới trong thơ của thi sỹ Hải Vân là những hình ảnh rõ nét. Đó là hình ảnh của một người từ chốn xa xôi đứng bất động nhìn về cố hương. Những câu thơ giản dị như một tiếng thì thầm. Ngôn ngữ vang lên chính từ ký ức buồn vui, xa cách và nhớ thương của tác giả. Ngôn ngữ ấy đẹp tự thân, nó không cần trang sức mà nhẹ nhàng như hơi thở đi vào lòng người đọc. 

Với tập thơ “Hải Vân hoa bút," nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng người đọc sẽ gặp một bút pháp cổ điển, phảng phất cả những nét đặc sắc của dòng Thơ mới. Thơ của bà vẫn giữ nguyên “hồn Việt” qua nửa thế kỷ sống xa đất nước. Trong tập thơ này, nữ thi sỹ Hải Vân đã thời sự hóa đề tài vĩnh cửu - tình yêu - nhưng vẫn giữ nguyên được tính sâu sắc, e lệ của người phụ nữ Việt Nam. 

Cùng chung xúc cảm trên, nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển nhấn mạnh tình yêu quê hương, đất nước của Ngô Hải Vân biểu hiện ở chất liệu nghệ thuật đậm tính dân tộc. Cầm trên tay tập thơ, người đọc sẽ bắt gặp những ngôn từ, hình ảnh rất thuần Việt như giao duyên, tiền định, hạc trắng, giậu mồng tơi, lá trầu, quả cau...

Theo nhà thơ, dịch giả Đăng Bảy tập thơ chỉ hé lộ rất ít về tác giả và gia cảnh của bà nhưng bản thân những bài thơ cũng đủ cho ta thấy đây là một “người thơ” có bề dày trải nghiệm, bề sâu nội tâm, trong cuộc sống luôn lấy đức khiêm nhường làm trọng. Đáng ghi nhận là bút pháp của nhà thơ nữ ở hải ngoại này vẫn trân trọng giọng điệu cổ phong nền nã, biết vận dụng nhiều thi liệu dân gian. Từ những điều giản dị, tác giả triển khai tứ thơ bằng thứ ngôn ngữ giàu mỹ cảm. Điều đó khiến tập thơ trở nên gần gũi, thân thiết với người đọc. 

Ngô Hải Vân là trưởng nữ của thi sỹ Trình Xuyên, là một trong ba tác giả nổi tiếng đất Sài Thành xưa, là hậu duệ của nhà yêu nước Ngô Quang Bích, lãnh tụ phong trào chống Pháp tại vùng Tây Bắc. 

Ngô Hải Vân quê gốc ở Thái Bình, sinh ra ở Đà Nẵng, năm 1985, sang định cư tại Hoa Kỳ. Theo tiếng gọi của trái tim, truyền thống gia đình, người giáo viên dạy dương cầm ấy đã làm thơ. Đây là lần đầu tiên tập thơ “Hải Vân hoa bút” với hơn 200 bài của bà được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam. 

Dịp này, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và tác giả tặng gần 100 cuốn thơ “Hải Vân hoa bút” cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Thái Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục