Tàu InSight thực hiện sứ mệnh thăm dò trên Sao Hỏa như thế nào?

Tàu InSight trị giá 993 triệu USD được phóng lên Sao Hỏa để tìm hiểu về bí mật bên trong hành tinh này. Hoạt động của con tàu nhằm chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của con người tới Hành tinh Đỏ.

Ngày 5/5/2018, tàu thăm dò InSight được phóng đi từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California thay vì từ mũi Canaveral. Đây là lần đầu tiên một tàu thăm dò hành tinh khác được phóng đi từ bờ Tây nước Mỹ.

Nhiệm vụ của con tàu là nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc bên trong của Sao Hỏa, giúp chúng ta hiểu được tại sao hành tinh này dường như đã từng có sự sống cách đây 4 tỷ năm, nhưng nay lại không còn như vậy nữa.

InSight sẽ sử dụng một công cụ gọi là SEIS, một máy đo địa chấn để đo những rung động phát ra do hoạt động nội tại của Sao Hỏa. SEIS được thiết kế tại châu Âu và cực kỳ nhạy. Nó được bảo vệ bằng một tấm chắn gió và nhiệt.

Tàu thăm dò cũng được trang bị cảm biến nhiệt HP Cube để đo lượng nhiệt phát ra từ bên trong hành tinh. Tàu sẽ đào sâu gần 5 mét xuống bề mặt Sao Hỏa.

InSight dự kiến sẽ đổ bộ lên Hành tinh Đỏ vào tháng 11/2018 để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 2 năm.

Tàu InSight có gì đặc biệt? 

(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)

Tàu thăm dò Insight sẽ làm gì khi tới Sao Hỏa, những người yêu thích khoa học và đặc biệt là đam mê thiên văn học đều rất háo hức muốn biết.

Dự án trị giá gần 1 tỷ USD này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các điều kiện khí hậu trên Sao Hỏa. Nó cũng giúp tìm hiểu cách thức sao Hỏa hình thành cách nay hàng tỷ năm.

[Những thú vị về Mặt trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất]

Nhà khoa học hàng đầu của NASA Jim Green cho biết lâu nay, giới khoa học đã biết rõ trên Sao Hỏa cũng xảy ra các trận động đất, lở đất và bị thiên thạch tấn công.

Tàu InSight. (Nguồn: NASA)

Với khoảng cách 485 triệu km, tàu vũ trụ InSight sẽ mất 6 tháng mới chạm đến bề mặt Sao Hỏa. Theo kế hoạch, tàu sẽ ở lại đó trong vòng một năm (theo lịch Sao Hỏa), tức khoảng 26 tháng trên Trái đất.

Qua hai thập kỷ, 3 thế hệ tàu thăm dò đã đáp xuống bề mặt Sao Hỏa. Chúng đào, bới, khoan, xúc nhằm thu thập các vật thể trên bề mặt Hành tinh Đỏ.

Lần này InSight chỉ đứng một chỗ nhưng hoạt động nhiều hơn, sâu hơn và lâu hơn. Từ đó gợi mở lời giải cho câu hỏi: Vì sao trước đây Sao Hỏa từng có sự sống nhưng sau đó lại biến đổi? Và liệu điều này có liên quan đến Trái Đất của chúng ta hay không?

Phát hiện nước dạng lỏng trên sao Hỏa

Trước đó, vào ngày 25/7/2018, các nhà thiên văn học quốc tế thông báo lần đầu tiên phát hiện một hồ nước ngầm lớn trên Sao Hỏa, củng cố thêm niềm tin về khả năng có nhiều nước, thậm chí là sự sống, tồn tại trên Hành tinh Đỏ.

Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Italy công bố trên tạp chí Science của Mỹ, hồ nước nói trên nằm sâu 1,5km bên dưới một lớp băng và có chiều rộng khoảng 20km. Đây là hồ chứa nước ở dạng lỏng lớn nhất được phát hiện trên Sao Hỏa.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hồ nước ngầm này nhờ thiết bị radar trên tàu Mars Express của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu, được phóng lên vũ trụ vào năm 2003. Khu vực thuộc phạm vi nghiên cứu là vùng cực Nam của Sao Hỏa.

Dữ liệu radar của khu vực này tương tự dữ liệu đo được ở các hồ nước dạng lỏng bên dưới các lớp băng ở Bắc Cực và đảo Greenland.

Kết quả trên được đánh giá là bất ngờ và mở ra hy vọng về khả năng có sự sống trên Sao Hỏa, cũng như vén bức màn bí ẩn về giả thuyết từng có sự sống trên Hành tinh Đỏ trong thời cổ đại.

(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)

Trong những nghiên cứu công bố trước đây, các nhà khoa học đã nhiều lần tìm thấy dấu hiệu của nước trên bề mặt Sao Hỏa nhưng đó chỉ là nước đóng băng ở thể rắn.

Tuy nhiên, kết quả này cũng gây tranh cãi trong giới chuyên gia khi nhiều người cho rằng nước trong hồ không thể uống được, trong khi khả năng tồn tại sự sống (vi khuẩn) trong đó cũng bị hoài nghi do hồ quá lạnh và nhiều muối khoáng.

Nhiệt độ trong hồ dưới ngưỡng đóng băng đối với nước tinh khiết, song nước ở đây vẫn ở dạng lỏng do trong thành phần có magiê, canxi và natri.

Một số nhà khoa học cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng cần có một tàu vũ trụ hoặc một thiết bị radar khác xác minh lại thông tin. Trước đó, thiết bị radar tần số cao hơn do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Italy chế tạo và gắn trên tàu Mars Reconnaissance, được phóng hồi năm 2005, đã không thể phát hiện nước lỏng dưới băng.

Theo giới khoa học, Sao Hỏa ngày nay lạnh và khô cằn, song đã từng rất ấm áp và ẩm ướt với nhiều hồ nước dạng lỏng cách đây 3,6 tỷ năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục