Táu Trung Quốc ào xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm trái phép kết thúc

Chiều 16/8, được sự bảo vệ của cảnh sát biển, khoảng 100 tàu cá đã xuất phát từ cảng cá Á Châu ở Tam Á hướng tới các vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ cũng như các khu vực ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tàu cá Trung Quốc rời cảng Shipu ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang để ra khơi trên Biển Hoa Đông. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

THX đưa tin, chiều 16/8, được sự bảo vệ của cảnh sát biển, khoảng 100 tàu cá đã rời tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, đánh dấu kết thúc lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông trong mùa Hè do nước này ngang ngược ban bố một cách đơn phương.

Theo Sở hàng hải và ngư nghiệp tỉnh Hải Nam, các tàu trên, xuất phát từ cảng cá Á Châu ở Tam Á, sẽ hướng tới các vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ cũng như các khu vực ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

[Ecuador bắt giữ tàu cá Trung Quốc chở động vật biển quý hiếm]

Tổng cộng 18.000 tàu cá đã trở về các cảng của Trung Quốc khi lệnh cấm đánh bắt bắt đầu có hiệu lực. Đây là con số cao kỷ lục trong 19 năm qua kể từ khi Trung Quốc lần đầu ban hành lệnh cấm đánh bắt thường niên mà nước này ban bố đơn phương, bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Lệnh cấm đánh bắt năm nay đã được Trung Quốc kéo dài thêm một tháng, nghĩa là có hiệu lực trong 3 tháng rưỡi. Trong thời gian này, vẫn đã xảy ra 92 vụ đánh bắt cá, theo đó con số này là giảm 30% so với năm ngoái.

Trước đó, trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam phản đối lệnh cấm này.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc bởi chúng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 4/5/2017.

Người phát ngôn nhấn mạnh quy định này của phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã phản đối sau khi có thông tin lệnh cấm đánh bắt cá được phía Trung Quốc ban hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục