Theo Voanews, trong một báo cáo mới của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, hoạt động tuần tra bờ biển của Trung Quốc đã được phát hiện liên tục tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
Các hoạt động tuần tra bờ biển này của Trung Quốc đã tạo thêm sức ép dư luận lên chính quyền quốc gia Đông Nam Á này nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây không được coi là đỉnh điểm căng thẳng trong mối quan hệ này.
Cụ thể, theo báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, trong khoảng thời gian 60 ngày từ tháng 12 đến cuối tháng Hai vừa qua, ba tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia.
Các tàu Trung Quốc và một tàu tuần tra bờ biển của Malaysia, dường như có nhiệm vụ theo dõi tàu Trung Quốc, được phát hiện gần Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals), phía Nam Biển Đông.
[Malaysia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông]
Giới chuyên gia nhận định phát hiện này sẽ gây thêm sức ép lên chính quyền của Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhằm tăng cường sự kiềm chế đối với Bắc Kinh.
Năm 2015, Malaysia đã phát hiện một tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc neo đậu gần khu vực bãi cạn Luconia, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách bang Sarawak trên đảo Borneo của Malaysia khoảng 100km về phía Bắc.
Theo Trung tâm nghiên cứu trên, tàu này thậm chí đã bị phát hiện có mặt tại đây từ năm 2013. Hồi tháng Ba năm ngoái, Malsaysia còn phát hiện 100 tàu cá Trung Quốc được tàu tuần tra bờ biển nước này hộ tống.
Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia thường xuyên tránh đối đầu với Bắc Kinh do mối quan hệ kinh tế khăng khít giữa hai nước. Malaysia coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất.
Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu về Biển Đông tại Đài Bắc cho biết: "Đối với Malaysia, quốc gia luôn nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, thì việc chỉ trích công khai các hành động của Bắc Kinh sẽ phá vỡ cán cân vốn nhạy cảm, và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế và các lĩnh vực khác của Malaysia."
Đối với Trung Quốc, ông Spangler cho rằng: “Bắc Kinh bày tỏ quan điểm sẵn sàng và có thể tăng cường quân sự tại các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, tuy nhiên nếu làm quá thì có thể khiến các quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đoàn kết và đưa ra phản ứng thống nhất."
Ông Oh Ei Sun, một giảng viên nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Nanyang cũng cho rằng Bắc Kinh tránh việc gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía các quốc gia có tranh chấp trên biển Đông. Điển hình, việc tranh chấp tại bãi cạn Scarborough gần Philippines năm 2012 đã thúc đẩy Manila kiện lên tòa trọng tài quốc tế. Sau đó, tòa trọng tài tại La Haye (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết nghiêng về phía Philippines hồi tháng 7/2016./.