Tết Nguyên đán Trung Quốc là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại

Với phạm vi truyền bá ra nước ngoài ngày càng rộng, Tết Nguyên đán đã trở thành một biểu tượng văn hóa Trung Quốc được thế giới chấp nhận, công nhận và đánh giá cao.

Triển lãm đèn lồng dịp Tết Nguyên đán tại Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Triển lãm đèn lồng dịp Tết Nguyên đán tại Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 4/12, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thủ đô Asunción của Paraguay, “Tết Nguyên đán - tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc” chính thức được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Như vậy, đến nay Trung Quốc có 44 di sản được đưa vào danh sách và đăng ký Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đứng đầu thế giới.

Tết Nguyên đán của người Trung Quốc còn được gọi là Xuân tiết, Tết Âm lịch, Niên tiết, Quá niên, là lễ hội truyền thống của nước này có ý nghĩa sâu sắc nhất, nội dung phong phú nhất, số lượng người tham gia đông nhất và sức ảnh hưởng rộng rãi nhất.

Vào mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người Trung Quốc trên khắp thế giới đều tổ chức đón Tết với chủ đề từ biệt năm cũ và đón mừng năm mới, cầu may mắn bình an, đoàn tụ hòa thuận…

Trong lịch sử hàng nghìn năm qua, Tết Nguyên đán không ngừng duy trì và củng cố mối liên kết tình cảm giữa các cá nhân, gia đình và đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nối của nền văn minh Trung Quốc.

Với phạm vi truyền bá ra nước ngoài ngày càng rộng, Tết Nguyên đán đã trở thành một biểu tượng văn hóa Trung Quốc được thế giới chấp nhận, công nhận và đánh giá cao.

Tết Nguyên đán - tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc được người dân nước này chia sẻ và tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước; gửi gắm tình cảm, cảm xúc của họ về đạo đức, gia đình, đất nước; thể hiện quan niệm giá trị về sự chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên và sự chung sống hài hòa giữa con người với con người; đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa hợp gia đình, hòa hợp xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.