Thác Cột Đá, một thác nước nổi tiếng của tỉnh Đắk Nông đang mất hết vẻ đẹp tự nhiên do bị xâm hại, lấn chiếm. Đây là thắng cảnh tự nhiên nằm trong khu vực mỏ đá Đắk Kút, nơi đang xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép với quy mô lớn trong thời gian dài.
Biến thác nước thành hồ thủy lợi
Đầu tháng 11 vừa qua, trong khi tìm hiểu về việc khai thác đá tại mỏ đá Đắk Kút, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tình cờ phát hiện một người dân đang sử dụng máy múc để san lấp xung quanh một thác nước nằm liền kề khu vực khai thác đá trái phép.
Theo đó, tại khu vực chân thác, một bờ bao dài khoảng 100 mét, bề ngang khoảng 2,5 mét đã được xây dựng khá kiên cố, vững chắc và sắp hoàn thành. Bờ bao đã biến chân thác thành một ao nước với diện tích hàng nghìn mét vuông. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là đất thuộc mỏ đá Đắk Kút và đang thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Trân, Giám đốc Công ty ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và du lịch Nam Tây Nguyên, đơn vị trước đây được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp phép xây dựng khu du lịch thác Cột Đá (đã bị thu hồi từ tháng 1/2016) cho biết bản thân ông đã nhiều lần ngăn cản việc xâm hại thác Cột Đá nói chung và khu vực chân thác nói riêng nhưng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trân kể cách đây khoảng 5 tháng, khi phát hiện có tình trạng chặt phá cây bên trên thác nước và khu vực chân thác, ông đã vào hỏi thăm thì được trả lời rằng "ông có quyền gì mà hỏi, cái này giờ của Nhà nước thì tụi tôi cứ làm." Sau đó ông gọi điện cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Đắk Nia thì được trả lời là xã sẽ kiểm tra xử lý. Việc chặt phá cây cối, xâm hại thác nước có giảm một thời gian nhưng tái diễn ngay sau đó, đặc biệt là từ đầu tháng 11 vừa qua, khi các đối tượng ngang nhiên xây dựng một bờ bao xung quanh chân thác.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trân, mục đích của các đối tượng khi xây dựng bờ bao quanh là biến khu vực này thành một hồ thủy lợi với dung tích lớn để lấy nước tưới tiêu, đồng thời lấn chiếm đất của Nhà nước. Nói về hiện trạng thác Cột Đá hiện nay, ông cho rằng vẻ đẹp tự nhiên gần như không còn.
"Trước đây khu vực này rất hoang sơ và nổi bật với vẻ đẹp hài hòa của thác nước, những vạt lồ ô và những phiến, cột đá bazan sừng sững. Chính điều đó đã thu hút rất nhiều du khách phương xa đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi, tham quan. Nhưng hiện nay, nhìn tổng thể thác Cột Đá chỉ còn như một hồ thủy lợi. Những vạt lồ ô đã bị xóa sổ hoàn toàn. Đá cột bị khai thác vô tội vạ đã trở nên lởm chởm, ngổn ngang như một đại công trường," ông Trân bức xúc chia sẻ thêm.
Theo một số hộ dân sống tại thôn Đắk Tân, việc tàn phá, xâm hại thác Cột Đá đã xảy ra nhiều năm nay. Tình trạng này bắt đầu bằng việc rừng trên thượng nguồn thác, rồi chân thác bị phá dần phá mòn; kế đến là việc khai thác đá cột vô tội vạ trên quy mô lớn, cách đỉnh thác chỉ vài trăm mét và gần đây nhất là cải tạo, biến chân thác nước thành hồ thủy lợi.
Thôn cho phép làm, xã chưa biết
Trao đổi với phóng viên vào ngày 4/11 vừa qua, ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Nia tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin chân thác Cột Đá bị biến thành... hồ thủy lợi.
Ông Ban yêu cầu cán bộ địa chính xã Đắk Nia, người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, lên báo cáo thông tin về sự việc thì cán bộ này cho biết mình chưa nắm được. Cả lãnh đạo lẫn cán bộ chuyên trách của xã Đắk Nia đều rất bất ngờ trước hình ảnh hiện trạng chân thác Cột Đá và đề nghị phóng viên thông cảm để tiến hành kiểm tra, xử lý ngay.
Vài ngày sau, chúng tôi trở lại Ủy ban Nhân dân xã Đắk Nia thì được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã thông tin rằng bờ bao xung quanh chân thác được gọi là... đường đi qua thác nước. Đơn vị bỏ tiền ra "thi công" là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giống cây trồng Tam Nông Gia Nghĩa (địa chỉ tại thôn 3, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Việc xây dựng chỉ dựa trên... biên bản họp thôn với sự tham gia của thôn trưởng thôn Đắk Tân, ông Lê Văn Lục, Giám đốc Công ty Tam Nông Gia Nghĩa và một số hộ dân có đất đai trong khu vực này.
Theo nội dung biên bản cuộc họp, Công ty Tam Nông Gia Nghĩa sẽ bỏ tiền ra làm con đường xung quanh chân thác để các hộ dân thuận tiện đi lại, do Nhà nước chưa có vốn để đầu tư.
Ông Đồng Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Nia cho rằng về nguyên tắc sau khi họp lấy ý kiến các hộ dân, thôn trưởng thôn Đắk Tân có trách nhiệm báo cáo lên Ủy ban Nhân dân xã và việc xây dựng con đường (tức cải tạo, thay đổi hiện trạng thác Cột Đá) chỉ được tiến hành khi nhận được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Ông Huy cũng thừa nhận hiện nay thác Cột Đá đã bị thay đổi hiện trạng, thay đổi dòng chảy do “con đường” được xây dựng quanh chân thác.
Theo thông tin cán bộ địa chính xã Đắk Nia cung cấp, việc xây dựng, cải hoán khu vực chân thác Cột Đá có thể được coi là hành vi lấn chiếm trái phép vì đây là đất đai do Nhà nước quản lý. Tổng diện tích vi phạm hơn 3.500m2. Đây cũng là đất thuộc mỏ đá Đắk Kút.
Ông Đồng Quang Huy cho biết tới đây, Ủy ban Nhân dân xã Đắk Nia sẽ triệu tập ông Lê Văn Lục lên để làm rõ các nội dung liên quan.
Sự thiếu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sự tùy tiện của chính quyền địa phương đã khiến thác Cột Đá bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ bị xóa sổ./.