Trang dailymaverick.co.za đã đăng bài phân tích của Karen Allen - cố vấn nghiên cứu cấp cao của Chương trình Các mối đe dọa mới nổi ở châu Phi, thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) - cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo công nghệ đáng lo ngại tại châu Phi, nhất là hình thức ''Social engineering,'' dùng các mánh khóe nhắm vào bản tính xã hội của con người để khai thác thông tin hoặc đạt mục đích nào đó.
Chiêu trò lừa đảo này dựa trên nền tảng là điểm yếu tâm lý, nhận thức sai lầm của con người về việc bảo mật thông tin, tận dụng sức ảnh hưởng và thuyết phục để đánh lừa người dùng nhằm khai thác các thông tin có lợi cho cuộc tấn công, hoặc thuyết phục nạn nhân thực hiện một hành động nào đó.
Các học giả đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng về vòng đời của các chuẩn mực để chứng minh cách thức những chuẩn mực này xuất hiện trong xã hội và cuối cùng trở thành một phần của cuộc sống. Nhưng cần đạt đến mức độ nào để công nghệ có chức năng quy chuẩn-sức mạnh để định hình hành vi của con người và mang lại những tác động trong thế giới thực?
Trong bối cảnh không có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ và ở các quốc gia với nền dân chủ còn mong manh, liệu châu Phi có thể trở thành nơi thử nghiệm cho tấn công phi kỹ thuật được công nghệ hỗ trợ?
Liệu tấn công phi kỹ thuật được công nghệ hỗ trợ có thể định hình các chuẩn mực hoặc niềm tin, điều chỉnh cách thức chúng ta bỏ phiếu, định hướng những người chúng ta yêu thích và khuấy động sự chia rẽ dân tộc hoặc tôn giáo hiện có?
Chuyên gia về tình trạng rối loạn thông tin Eleonore Pauwels cho rằng sự hội tụ của trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng thu thập dữ liệu có nguy cơ làm suy yếu các thể chế vốn được xem như nền tảng của các nền dân chủ.
[Công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại châu Phi: Những hiểm họa tiềm ẩn]
Sự xuất hiện nhanh chóng của các công cụ sử dụng AI trên khắp châu Phi cùng với các nền tảng truyền thông xã hội mạnh mẽ như Facebook, Reddit và Twitter đã khiến dữ liệu trở thành một loại hàng hóa. Một số nhà bình luận mô tả dữ liệu như một loại “dầu” mới của “cỗ máy” nền kinh tế kỹ thuật số.
Các công cụ công nghệ này bao gồm cơ sở dữ liệu sinh trắc học để theo dõi sự di chuyển của dân cư tại các biên giới, đăng ký cử tri trước cuộc bầu cử hoặc ghi lại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời (sinh ra, kết hôn và tử vong).
Theo chuyên gia Pauwels, bên cạnh việc nắm bắt hành vi, sở thích và xu hướng cá nhân của con người, công nghệ có khả năng định hình những yếu tố này. AI và các công nghệ thu thập dữ liệu tạo thành liên minh mạnh mẽ thúc đẩy mục tiêu vi mô và nhắn tin chuẩn xác có định hướng.
Nghiên cứu của Viện ISS cho thấy “dấu vết kỹ thuật số” mà chúng ta để lại trên internet - và thông tin sinh trắc học cá nhân được ghi lại trên camera theo dõi tại các cửa hàng hoặc từ cơ sở dữ liệu tập trung khi chúng ta đăng ký bỏ phiếu hoặc nộp đơn xin giấy phép lái xe - chính là nguồn nguyên liệu thô cho những âm mưu thao túng dữ liệu ở châu Phi.
Theo chuyên gia Pauwels, con người đang nhanh chóng trở thành “các điểm dữ liệu” hoặc “cơ thể và trí óc kỹ thuật số” với vị trí chính xác và các đặc điểm sinh trắc học có thể khớp trong thời gian thực. Điều này có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với quyền riêng tư và bảo mật của cá nhân.
Pauwels cho rằng trừ khi được kiểm soát, các công nghệ học máy có khả năng thay đổi hoặc định hình khả năng phán đoán của con người và sự độc lập về chính trị. Điều này đặc biệt đúng ở những nơi mà nguyên tắc kiểm tra và cân bằng dân chủ vẫn còn mong manh.
Việc thao túng có thể tạo ra những hỗn loạn hoặc khẳng định quyền kiểm soát, đặc biệt là trong thời gian bầu cử hoặc các giai đoạn khẩn cấp quốc gia như chiến tranh hoặc đại dịch.
Pauwels khẳng định các công cụ thao túng xã hội mạnh mẽ đang được sử dụng để tạo ra nguồn tài chính, cho phép các công ty thu thập dữ liệu (như Cambridge Analytica - hiện đã bị giải thể) có thể xác định “nỗi sợ hãi, thù hận và định kiến sâu sắc nhất” của các cá nhân nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Tập trung đánh giá các cuộc bầu cử năm 2013 và 2017 tại Kenya, chuyên gia Pauwels ghi nhận cách thức những căng thẳng sắc tộc hiện có ở Kenya đã bị các thực thể thương mại tương tự Cambridge Analytica khai thác, chẳng hạn “năm 2017, các nhóm WhatsApp, bao gồm cả các nhóm phi chính trị, ngập tràn những luận điệu kích động dân tộc chủ nghĩa, thông tin sai lệch và thông tin giả.”
Báo cáo của Trung tâm Đại học Strathmore về Luật Sở hữu trí tuệ và công nghệ thông tin cho rằng nguyên liệu thô này - chẳng hạn như dữ liệu cá nhân - được các đảng phái chính trị mua lại một cách bất hợp pháp và được triển khai như một phần trong chiến lược truyền thông của các đảng này.
Một hình thức thao túng xã hội khác đến từ những tin tức giả mạo được dựng nên nhờ công nghệ. Công nghệ cũng có thể tạo ra các kịch bản tình báo giả mạo, mở đường cho cái mà một số học giả đã mô tả là chế độ độc tài kỹ thuật số và tạo cớ để kiểm soát xã hội và ban hành luật mang tính an ninh hóa nhằm hạn chế việc sử dụng truyền thông xã hội.
Điều đó có thể cho phép các quốc gia phi tự do kiểm soát những người bất đồng chính kiến. Vài ví dụ tiêu biểu là việc đóng cửa các nền tảng truyền thông xã hội tại Uganda và Ethiopia trong những tháng gần đây với lý do ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.
Giới hoạch định chính sách cần phải xem xét những “điểm mù” và mặt trái của các công nghệ kiểm soát hàng loạt. Mặc dù các luật dữ liệu đang được áp dụng đã đề ra các quy tắc nghiêm ngặt về cách thức thu thập, lưu trữ dữ liệu và giới hạn việc sử dụng lại dữ liệu, nhưng việc thực thi các quy định mới này sẽ gặp nhiều thách thức nghiêm trọng.
Trong giai đoạn gấp rút của việc phát triển cơ sở dữ liệu sinh trắc học tập trung, các thuật toán cần mang tính mở để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và xây dựng văn hóa đạo đức mới trong lĩnh vực công nghệ, và thậm chí là có thể kèm theo các biện pháp khuyến khích và trừng phạt./.