Thách thức của Australia trong việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Chính phủ Scott Morrison đưa ra những cam kết tương tự về việc “làm những thứ cần làm” và đầu tư toàn bộ kinh phí cho chương trình CASD khi thông báo mua các tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.
Thách thức của Australia trong việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân ảnh 1Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Australia. (Ảnh: EPA)

Trang tin của Viện Chính sách Chiến Lược Australia (ASPI) đã đăng bài viết của Richard Dunley, giảng viên lịch sử tại Đại học New South Wales (UNSW) Canberra, nhận định về tác động đối với Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) từ quyết định mua tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ-Anh-Australia.

Nội dung như sau:

Kể từ khi Mỹ, Anh và Australia thông báo thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) vào tháng 9/2021, đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận xoay quanh năng lực của các tàu ngầm hạt nhân, tính năng của các mẫu thiết kế và những thách thức trong việc đảm bảo tàu được chuyển giao đúng hạn.

Tuy nhiên, dư luận ít quan tâm đến những hệ lụy mà RAN có thể phải đối mặt khi quyết định sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Nhìn lại kinh nghiệm của Hải quân Hoàng gia Anh, có thể thấy dự án mua lại công nghệ hiện đại quy mô lớn như dự án này có thể tạo ra tác động mang tính chuyển đổi lớn đối với lực lược hải quân Australia theo cách còn vượt xa hơn những gì đơn thuần chỉ là trang bị cho mình một năng lực mới.

Năm 1962, Đô đốc Caspar John đã phàn nàn trong cuốn nhật ký của mình rằng dự án Polaris (phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) của Anh có nguy cơ trở thành "trách nhiệm nặng nề mà chúng ta phải gánh vác" và là “kẻ phá hoại tiềm năng đối với lực lượng hải quân.”

Trong khi người ta có thể hoài nghi liệu những lo ngại của Đô đốc Caspar John có cơ sở hay không, một điều không cần phải tranh cãi là quyết định của chính phủ Anh trong việc theo đuổi các tàu ngầm hạt nhân và chương trình Răn đe liên tục trên biển (CASD) đã khiến Hải quân Hoàng gia Anh phải trả một chi phí cơ hội tương đối lớn.

Lời khẳng định của chính phủ Anh rằng chương trình CASD sẽ không ảnh hưởng đến nguồn kinh phí lớn dành cho Hải quân Hoàng gia nước này đã dần dần không còn đúng nữa và vấn đề nguồn kinh phí lấy từ đâu sớm trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ. Vào đầu những năm 1980, các nhà lãnh đạo cấp cao trong hải quân Anh mô tả CASD là “con chim cu gáy trong tổ” (kẻ xâm nhập không được chào đón) do ngân sách dành cho chương trình tốn kém này làm ảnh hưởng tới ngân sách dành cho các hạm đội mặt nước truyền thống.

Chính phủ của ông Scott Morrison đã đưa ra những cam kết tương tự về việc “làm những thứ cần làm” và đầu tư toàn bộ kinh phí cho chương trình này khi thông báo về việc mua các tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.

Tuy nhiên, với việc không đề ra lộ trình chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên trong khoảng gần 20 năm, khả năng “tờ séc trắng” (ám chỉ việc không giới hạn nguồn tiền) trụ vững sau những thay đổi liên tiếp trong chính phủ dường như là khá mong manh.

[Nhóm AUKUS cam kết hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh]

Cũng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo RAN trong tương lai có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn trong việc cắt giảm tiềm lực nào của lực lượng này để tiếp tục đầu tư cho dự án tàu ngầm hạt nhân. Tình hình tài chính tương đối ổn định hiện nay cũng góp phần vào việc giảm bớt sự phản đối từ các cơ quan khác đối với dự án tốn kém này. Nếu chứng kiến việc thắt chặt ngân sách quốc phòng - khoản ngân sách gần như chắc chắn sẽ được điều chỉnh, lực lượng hải quân sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cắt giảm những năng lực khác.

Kinh phí có lẽ là thứ dễ nhận thấy nhất trong số những chi phí cơ hội có thể phát sinh liên quan đến dự án mua sắm tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS, song đây không phải là thách thức duy nhất. Việc sở hữu hàng loạt công nghệ hiện đại thực sự đòi hỏi cần đầu tư sâu vào nguồn nhân lực, đây là điều mà Phó Đô đốc Jonathan Mead gần đây đã nhấn mạnh.

Lực lượng đặc nhiệm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Phó Đô đốc Mead đứng đầu đã thành lập ít nhất 7 sư đoàn và 9 nhóm công tác cấp cao ba bên với số lượng hơn 200 người. Để làm được điều này, lực lượng trên đã phải bổ sung thêm những cá nhân xuất sắc trong lực lượng hải quân, quốc phòng và cả trong chính phủ Australia. Việc tập hợp nhân sự này là yếu tố quan trọng để có thể thực hiện dự án phức tạp trên, song điều đó cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự từ những nơi khác.

Đòi hỏi về nguồn nhân lực cho các chương trình hạt nhân trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh đã cho thấy những tác động tiềm tàng. Văn phòng các dự án đặc biệt của Hải quân Mỹ đã phải tối ưu hóa lực lượng hải quân của mình và thường xuyên thu hút các nhóm chuyên gia từ các dự án cấp cao khác. Chương trình Polaris đã hoàn tất nhưng cái giả phải trả là việc phải hy sinh nhiều năng lực truyền thống quan trọng, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không. Với nguồn nhân lực ít ỏi ở Australia, nguy cơ xảy ra vấn đề tương tự với lực lượng đặc nhiệm tàu ngầm nói trên là rất cao.

Đi kèm dự án tàu ngầm AUKUS là hàng loạt những thay đổi phức tạp về quy định và pháp luật nhằm tạo điều kiện cho Australia sở hữu một cách an toàn, hợp pháp các tàu ngầm hạt nhân cũng như chế tạo và vận hành các tàu ngầm này. Mặc dù phần lớn vấn đề không thuộc trách nhiệm của lực lượng hải quân, song điều đó vẫn sẽ là một nỗ lực rất lớn chiếm một phần đáng kể những nguồn lực của Bộ Quốc phòng và ảnh hưởng tới những lĩnh vực khác.

Vấn đề cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, việc quyết định sử dụng tàu ngầm hạt nhân có khả năng sẽ làm thay đổi đáng kể văn hóa và nét đặc trưng của lực lượng hải quân Australia. Việc đóng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên cho Australia và phát triển dự án Polaris là một công việc to lớn đối với cả Hải quân Mỹ và Hải quân hoàng gia Anh và những dự án này đã làm thay đổi cơ bản 2 lực lượng này.

Tầm ảnh hưởng của đô đốc Hyman Rickover đối với Hải quân Mỹ đã được nhiều người biết đến, trong khi ở Anh, nhiều sỹ quan liên quan đến các dự án Polaris đã đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng. Bản chất thú vị của công nghệ là điểm thu hút các sỹ quan trẻ tài năng và sự xuất hiện của tàu ngầm trong Chiến tranh Lạnh đã nhanh chóng định hình lại lực lượng hải quân Mỹ và Anh, trong đó tàu ngầm chiếm vị trí trung tâm và những thủy thủ tàu ngầm ngày càng có vai trò quan trọng.

Mặc dù sẽ còn rất lâu mới thấy một trong những chỉ huy tàu ngầm AUKUS dẫn đầu lực lượng hải quân Australia, song dự án này này dường như chắc chắn sẽ định hình lại vị thế của lực lượng này. Tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án cũng như vai trò trong việc thu hút các sỹ quan tài giỏi sẽ đảm bảo rằng dự án này sẽ thay đổi sự nghiệp của nhiều lãnh đạo hải quân Australia trong tương lai. Tính ưu việt của hải quân mặt nước dường như chắc chắn cũng sẽ bị thách thức, và theo đó là những thay đổi về bản chất của RAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.