Thái Lan ấn định thời điểm công bố dự thảo hiến pháp mới

Việc soạn thảo dự thảo hiến pháp mới đang ở giai đoạn cuối, tập trung vào việc hoàn tất các điều khoản về tổ chức nội các và chính quyền địa phương.
Thái Lan ấn định thời điểm công bố dự thảo hiến pháp mới ảnh 1Quốc hội Thái Lan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan (CDC) Meechai Ruchupan ngày 10/12 cho biết bản dự thảo hiến pháp mới của nước này sẽ được công bố vào ngày 29/1/2016.

Việc soạn thảo dự thảo hiến pháp mới đang ở giai đoạn cuối, tập trung vào việc hoàn tất các điều khoản về tổ chức nội các và chính quyền địa phương.

Một số nội dung gây tranh cãi trong hiến pháp cũng đã được giải quyết, bao gồm điều khoản liên quan đến việc Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng.

Các nội dung chi tiết của dự thảo sẽ được hoàn tất tại cuộc họp của CDC ở Cha-am, tỉnh Phetchaburi trước khi bản dự thảo được công bố.

Đảng Pheu Thai, đảng chính trị của phe Áo Đỏ, đã gửi thư đến ông Meechai để phản ánh những bất cập có thể có trong nội dung hiến pháp mới như Thủ tướng không phải là nghị sỹ dân cử; bổ nhiệm hay bầu trực tiếp ghế thượng nghị sỹ; hệ thống bầu cử kép và ý tưởng cho phép Tòa án Hiến pháp có vai trò giải quyết khủng hoảng chính trị.

Qua đó, Pheu Thai kêu gọi CDC điều chỉnh nội dung hiến pháp mới cần đáp ứng nguyện vọng của đại đa số người dân; đồng thời đảm bảo bản dự thảo hiến pháp phải được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý.

CDC là Ủy ban Soạn thảo bản Hiến pháp thứ 20 của nước này được chính quyền quân sự Thái Lan bổ nhiệm vào ngày 5/10, sau khi bản dự thảo hiến pháp được quân đội bảo trợ bị Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC) bác bỏ do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ hầu hết các phe phái chính trị.

Bản dự thảo trước được cho là có lợi cho việc kéo dài thời gian nắm quyền của quân đội.

Tranh cãi chính xoay quanh điều khoản thành lập một Ủy ban chiến lược về Cải cách và Hòa giải do quân đội kiểm soát và được phép thực thi quyền hạn đối với các cơ quan hành pháp, lập pháp trong tình huống được xác định là khủng hoảng.

Soạn thảo hiến pháp mới là giai đoạn đầu tiên của lịch trình "6-4-6-4" mà chính quyền quân sự đã đặt ra để tái lập nền dân chủ tại Thái Lan trong vòng 20 tháng, trong đó, mỗi con số tương ứng với số tháng diễn ra các giai đoạn soạn thảo hiến pháp; trưng cầu dân ý; soạn thảo các luật cơ bản và tổ chức tổng tuyển cử.

Nếu được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức bốn tháng sau khi được công bố, bản dự thảo hiến pháp này sẽ chính thức có hiệu lực.

Sáu tháng tiếp theo, CDC sẽ soạn thảo và đệ trình Hội đồng Lập pháp Quốc gia, Tòa án Hiến pháp thông qua các luật cơ bản như Luật Bầu cử, Luật Các đảng phái chính trị, Luật về Ủy ban Bầu cử,... bốn tháng sau đó sẽ được dành cho chiến dịch tranh cử và tiến hành tổng tuyển cử.

Dự kiến, chính phủ mới của Thái Lan sẽ được thành lập và ra mắt vào giữa năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục