Tối 16/7, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do New Zealand chủ trì diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết tại Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã chia sẻ tầm nhìn và trao đổi với 20 nhà lãnh đạo và đại diện các nền kinh tế APEC khác về hợp tác mang tính xây dựng, ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe, trong đó đề xuất bốn cách tiếp cận chính.
Thứ nhất, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh việc tiếp cận công bằng và phân phối ngay vaccine ngừa COVID-19 an toàn cho tất cả mọi người là ưu tiên hàng đầu để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Thứ hai, theo Thủ tướng Prayut, quản lý rủi ro là con đường phía trước để cùng tồn tại với COVID-19 theo cách thức bình thường mới và phải kiềm chế dịch bệnh ở mức có thể quản lý được.
[Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tăng cường năng lực sản xuất vaccine]
Thứ ba, ông Prayut nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các công ty khởi nghiệp phải được ưu tiên vì đó là động lực tăng trưởng của khu vực nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Những nỗ lực cũng nên tập trung vào quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp này sang trạng thái bình thường mới, đồng thời xây dựng tính linh hoạt và khả năng phục hồi trước những cú sốc và khủng hoảng trong tương lai.
Thứ tư, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh tính “vừa phải” và “cân bằng” của các hoạt động của con người và môi trường. Thái Lan mong muốn được chia sẻ Mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) để thúc đẩy một cách cụ thể các hoạt động của APEC về bền vững và chương trình nghị sự xanh.
Cuộc họp không chính thức của APEC do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern triệu tập nhằm tìm giải pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Đây là cuộc họp không chính thức đầu tiên của APEC, bên cạnh hội nghị chính thức vào tháng 11 tới, phản ánh mong muốn của các nhà lãnh đạo APEC cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế.
Tiếp theo New Zealand, Thái Lan sẽ là nước chủ nhà của Năm APEC 2022. Trên cương vị là nước chủ nhà APEC 2022, Thái Lan đã xác định ba lĩnh vực ưu tiên là tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; khởi động lại kết nối khu vực, đặc biệt là đi lại và ngành du lịch; và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm thông qua khái niệm BCG./.