Ngày 16/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Cuộc họp không chính thức của các Nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra với hình thức trực tuyến theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch APEC 2021.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước.
Hiện nay, APEC quy tụ 15 trên 31 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta. 13 trong số 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết là với thành viên APEC, tính đến thời điểm hiện tại, có 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.
Đóng góp những sáng kiến thiết thực
Ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Việt Nam đã chính thức gia nhập Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhân Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 10.
Việc gia nhập APEC là một quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong hơn 22 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động đối với Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…
Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp...
Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 ủy ban, nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
[APEC cùng nhau chia sẻ tinh thần đoàn kết và trách nhiệm]
Ở một khía cạnh khác, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp Việt đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng APEC.
Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò, trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.
Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, ta đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040.”
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và hợp tác APEC nói riêng, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các thành viên APEC duy trì đà hợp tác của Diễn đàn, thông qua việc đề xuất, xây dựng và thúc đẩy các biện pháp, cam kết hợp tác của APEC trong ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế bền vững, bao trùm; đồng thời tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng các chiến lược hợp tác dài hạn của APEC như Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng của Việt Nam được thông qua năm 2017.
Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng
Tiếp nối những bước đi thành công của APEC, New Zealand, chủ nhà Năm APEC 2021 đã đề xuất chủ đề của Năm APEC 2021 là “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng.”
Năm APEC 2021 sẽ gồm 3 ưu tiên: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại, đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại và kết nối; đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có người bản địa; thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng số và bao trùm số, kinh doanh và thương mại được tạo thuận lợi bởi số, cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo.
Một trong những trọng tâm hợp tác năm 2021 là xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC tới năm 2040 - sáng kiến do Việt Nam đưa ra và được thông qua năm 2021.
Hiện nay, phía New Zealand cho biết, tất cả hoạt động của APEC trong năm 2021 được diễn ra dưới hình thức trực tuyến, gồm: Tuần lễ Cấp cao lần thứ 28; 7 hoạt động cấp Bộ trưởng; 5 đợt hội nghị các quan chức cao cấp (SOM).
Cuộc họp không chính thức của các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC diễn ra ngày 16/7/2021 theo hình thức trực tuyến là sáng kiến của chủ nhà New Zealand. Với chủ đề “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á-Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn,” cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong hơn một năm dịch COVID-19 bùng phát, là “cái nôi của các ý tưởng mới,” APEC đã tích cực trao đổi, thúc đẩy nhiều sáng kiến hỗ trợ các thành viên ứng phó với dịch bệnh. Các thành viên đã thống nhất xây dựng website chia sẻ thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập Quỹ hỗ trợ các thành viên triển khai sáng kiến ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế; ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng về chuỗi cung ứng vaccine.
Nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, năm 2020, các Bộ trưởng Thương mại APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thiết yếu. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC vừa qua (tháng 6/2021) đã thông qua Tuyên bố chung với 2 phụ lục về Dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa thiết yếu và Chuỗi cung ứng vaccine COVID-19.
Nằm trong chuỗi hoạt động của năm APEC 2021, cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 16/7 tới sẽ giúp khẳng định mạnh mẽ vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong APEC; đồng thời góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch COVID-19. Việc các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương, cũng là bước khẳng định sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong tình hình mới./.