Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, quốc gia này ghi nhận số các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại trong vòng 24 giờ qua.
Cụ thể, với 53 ca mới được xác nhận ngày 25/4, đưa tổng số bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.907 người.
Giới chức Thái Lan cũng xác nhận có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 51 người.
Trước đó, trong khoảng 2 tuần, số lượng các ca mới nhiễm virus ghi nhận theo ngày đã giảm từ 54 ca hôm 9/4 xuống 13 ca ngày 23/4 và 15 ca ngày 24/4. Ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất ở Thái Lan là 22/3 với 188 ca.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 24/4 cho biết đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 ở nước này có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut cũng cho rằng việc các ca lây nhiễm tại Thái Lan giảm hẳn so với trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm không có nghĩa là quốc gia đã an toàn.
[Thái Lan phát tiền cho dân nghèo trong đại dịch COVID-19]
Theo ông Prayut, vẫn tồn tại những mối đe dọa từ bên ngoài và dịch có thể bùng phát trở lại nếu không cảnh giác. Ông Prayut khẳng định ưu tiên lớn nhất của chính phủ hiện tại là sức khỏe của người dân và tiếp đến là sinh kế, thu nhập.
Thủ tướng Prayut cũng khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm cả việc giãn cách xã hội và không nên chủ quan trước tình hình.
Theo người phát ngôn Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 Taweesilp Visanyothin, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng Thái Lan cần đề phòng dịch bệnh tái bùng phát, có thể sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Theo ước tính tại Thái Lan, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân COVID-19 khoảng 30.000 USD.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Đại học Mahidol của Thái Lan đã ghi nhận thành công trong phát triển bộ xét nghiệm COVID-19 đầu tiên dựa trên nước bọt.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/4, Tiến sỹ Siriorn Watcharananan, đến từ Khoa Dược của Bệnh viện Ramathibodi, cho biết việc phát triển bộ xét nghiệm này dựa trên một nghiên cứu của nhóm cho thấy các tuyến nước bọt chứa một thụ thể gắn với SARS-CoV-2 và kết quả này được hậu thuẫn bởi nghiên cứu quốc tế.
Theo bà Sirion, bộ xét nghiệm sẽ chính xác hơn, có giá cả phải chăng và an toàn hơn với các nhân viên y tế ở tuyến đầu khi so sánh với kỹ thuật phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) hiện tại.
Hiện nay, RT-PCR là phương pháp chính được sử dụng để kiểm tra và xác nhận những ca lây nhiễm COVID-19.
Các bộ xét nghiệm RT-PCR có số lượng có hạn và đắt đỏ, trong khi cách thức đưa tăm bông vào cổ họng để lấy mẫu khiến cho nhân viên y tế có nguy bị lây nhiễm cao.
Tiến sỹ Siriorn lưu ý rằng xét nghiệm nước bọt có độ nhạy 84,2%, độ đặc hiệu 98,9% và độ tương thuận 97,5%. Sau thành công đầu tiên này, nhóm sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm chi phí xét nghiệm virus./.