Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 12/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố nếu dự thảo hiến pháp hiện tại bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/8 tới, Bangkok sẽ xây dựng một bản dự thảo hoàn toàn mới chứ không sử dụng các bản hiến pháp cũ.
Trước đó, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam nói rằng các bản hiến pháp trước đây, đặc biệt là hai bản hiến pháp năm 1997 và 2007, cũng như các dự thảo do các chuyên gia chủ trì xây dựng, có thể được tổng hợp để xây dựng hiến pháp mới.
Theo Thủ tướng Chan-ocha, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 2,99 tỷ baht để tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp.
Cùng ngày 12/4, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan cảnh báo rằng người xuyên tạc nội dung của câu hỏi trưng cầu dân ý trong cuộc trưng cầu về dự thảo hiến pháo mới vào ngày 7/8 tới có thể đối với việc truy tổ hình sự.
Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết trong vòng 4 tháng trước cuộc trưng câu dân ý, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban soạn thảo hiến pháp và Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan sẽ làm rõ các thông tin về dự thảo hiến pháp, các câu hỏi trưng cầu dân ý và quy định về trưng câu dân ý.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp quốc gia (Quốc hội - NLA) Thái Lan Pornpetch Wichitcholachai cảnh báo rằng những người xuyên tạc nội dung của câu hỏi trong cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới vào ngày 7/8 có thể bị truy tố hình sự.
Ông Wichitcholachai khẳng định chính bản thân ông cũng không thể tự tiện thay đổi nội dung của câu hỏi trưng cầu ý dân trừ việc rà soát lỗi ngữ pháp và chính tả.
Những câu hỏi này sẽ được trình lên Ủy ban Bầu cử quốc gia cùng với lời chú giải về các nội dung sẽ được quảng bá đến công chúng sau khi luật trưng cầu ý dân được thông qua.
Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cũng cho biết trong vòng 4 tháng trước cuộc trưng cầu ý dân, cơ quan này cùng Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) và NLA sẽ làm rõ các thông tin về dự thảo hiến pháp, các câu hỏi và quy định về trưng cầu ý dân./.