Kết nối khu vực là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015. Tiến trình hội nhập Cộng đồng ASEAN 2015 cũng đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực kết nối hạ tầng khu vực.
Nằm ở trung tâm ASEAN, Thái Lan là điểm đến lý tưởng của thương mại và đầu tư. Thái Lan hiện đã có mạng lưới giao thông hiện đại, hệ thống ngân hàng lành mạnh, cơ sở hạ tầng phát triển và lực lượng lao động chất lượng cao. Vì vậy Thái Lan hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kết nối và tăng trưởng của ASEAN cũng như châu Á.
Nhận thấy tương lai của một thị trường chung với hơn 600 triệu dân sau năm 2015, mốc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Thái Lan đã tận dụng lợi thế về vị trí chiến lược để đóng vai trò là cửa ngõ của ASEAN.
Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến thực hiện siêu dự án cơ sở hạ tầng hơn 2.200 tỷ baht (66,7 tỉ USD) trong 7 năm nay, để kết nối Thái Lan với các nước láng giềng trong ASEAN. Việc chú trọng phát triển các dự án giao thông sẽ giúp Thái Lan trở thành đầu mối gắn kết tất cả các nước trong khu vực và các nền kinh tế đối tác của khối như Trung Quốc, Ấn Độ.
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arhkom Termpittayapaisith khẳng định: "Chúng tôi không chỉ quan tâm đến phát triển năng lực cạnh tranh và đào tạo nhân lực mà còn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để đưa Thái Lan thành một cửa ngõ về thương mại, đầu tư và du lịch của ASEAN. Thái Lan cũng sẽ sớm hoàn thành các dự án giao thông các tuyến đường Bắc-Nam và Đông-Tây, kết nối với các nước trong khu vực và các đối tác kinh tế lớn của ASEAN.
Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm việc xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi, nâng cấp hệ thống đường ray hiện tại, hoàn thành 10 tuyến đường sắt quá cảnh tại Bangkok, hoàn thiện hệ thống đường bộ nối liền các hành lang kinh tế ASEAN, củng cố cảng biển, xây dựng thêm các cơ sở tại biên giới để phát triển thương mại cửa khẩu và xây dựng đường cao tốc tới biên giới phía Tây, kết nối cảng biển nước sâu Dawei tại Myanmar. Các sân bay của Thái Lan cũng sẽ được nâng cấp mở rộng.
Trong một phát biểu sau khi nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cho AEC hồi tháng 5/2015, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhận định rằng nền kinh tế của Thái Lan có thể tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2015 và các năm sau đó nếu các dự án giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng của chính phủ, dự kiến trong quý đầu năm 2016 được tiến hành tốt.
Ông Pomupong Kiatwutiinon, doanh nhân Thái Lan nói: "Tôi nhìn nhận việc AEC là một cơ hội tuyệt vời cho Thái Lan và các nước trong khu vực để phát triển kinh tế. Thái Lan có lợi thế vị trí địa lý nằm ở trung tâm của khối vì vậy cần phải tận dụng triệt để. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của AEC."
Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống hậu cần nhằm tăng cường kết nối là một trong 8 chiến lược mà Chính phủ Thái Lan đã vạch ra để chuẩn bị cho việc hội nhập của nước này với cộng đồng ASEAN.
Các chiến lược còn lại bao gồm thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; cải thiện chất lượng bảo vệ cuộc sống và xã hội; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn của ASEAN; cải thiện hệ thống luật pháp để tạo cơ hội cho thương mại và đầu tư; tăng cường hiểu biết của công chúng đối với AEC; củng cố an ninh; thúc đẩy cạnh tranh đô thị.
Tất cả các bộ ngành của Thái Lan cũng đã thành lập những đơn vị chuyên trách ASEAN để có thể phối hợp chặt chẽ với nhau. Các chương trình tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về ASEAN cho người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc. Việc đào tạo kỹ năng học ngôn ngữ, và tìm hiểu văn hóa các nước ASEAN cũng được tiến hành rất bài bản.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho AEC, trang web của Chính phủ Thái Lan mới đây công bố một báo cáo trong đó khẳng định Thái Lan là nước xếp vị trí thứ 2 về mức độ sẵn sàng cho AEC sau Singapore. Báo cáo cũng cho biết Thái Lan đã hoàn tất 90% kế hoạch chi tiết cho hội nhập với các nước ASEAN./.