Ngày 29/3, Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Ruechai Ruddit cho biết Hải quân Thái Lan sẽ lập các bệnh viện dã chiến với 1.200 giường bệnh để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch đối với người lao động, Chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra một loạt các gói kích thích, trong đó có một quỹ trị giá 50 tỷ baht (1,53 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính với mức 5.000 baht/tháng trong vòng ba tháng đối với công nhân thời vụ và người làm việc tự do.
Tuy nhiên, đã có 17,2 triệu người nộp hồ sơ xin được hưởng chế độ này thông qua trang web có tên gọi “Bạn sẽ không bao giờ bị bỏ lại đằng sau."
Trong ngày 30/3, Thái Lan ghi nhận thêm 136 ca nhiễm mới trên toàn quốc, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.524 người. Cho đến nay, nước này đã có chín trường hợp tử vong.
Với 62 ca nhiễm virus gây bệnh COVID-19 tính đến sáng 30/3, tỉnh Phuket là một trong số những địa phương ở Thái Lan có nhiều trường hợp COVID-19.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 30/3, chính quyền tỉnh Phuket - hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan trên biển Andaman, đã ra lệnh cấm người dân và phương tiện ra vào nhằm đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Được sự phê chuẩn của Ủy ban Về các bệnh truyền nhiễm tỉnh, tỉnh trưởng Pakkapong Taweepat đã ra lệnh đóng cửa tất cả các lối ra vào tỉnh, ngoại trừ giao thông hàng không, từ nửa đêm 30/3 đến 30/4 hoặc cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Theo lệnh trên, người dân và tất cả các phương tiện bị cấm ra vào tỉnh Phuket qua điểm kiểm soát Tha Chat Chai, trừ những người vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế cũng như các phương tiện cứu hộ, cấp cứu, phục vụ hoạt động của nhà nước và chở ấn phẩm xuất bản.
Lệnh cấm này cũng áp dụng đối với người và tất cả các loại tàu thuyền ra vào tỉnh qua các cảng quốc tế, trừ tàu chở hàng. Sau khi kết thúc hoạt động, các tàu chở hàng và thủy thủ đoàn (không được lên bờ) phải rời tỉnh ngay lập tức.
Giao thông đường sông liên tỉnh cũng phải tuân thủ các quy định tương tự như giao thông đường bộ. Những trường hợp được miễn áp dụng lệnh cấm này theo quy định phải có chứng nhận y tế được cấp trong vòng ba ngày và phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và phần lớn các nước châu Âu, trong khi Bộ Ngoại giao dự định sẽ nâng cảnh báo đi lại đối với những quốc gia này lên cấp độ 3 (tránh tất cả hoạt động đi lại tới khu vực bị cảnh báo).
Bên cạnh đó, tất cả các công dân Nhật Bản và những người nước ngoài đến từ các khu vực khác sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.
[Thái Lan có 136 ca nhiễm mới, Hong Kong phạt người vi phạm cách ly]
Trước đó, một số khu vực như tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và thành phố Daegu của Hàn Quốc cũng như nhiều vùng ở hơn 20 quốc gia châu Âu đã nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vào Nhật Bản.
Tính đến trưa 30/3, số ca tử vong ở Nhật Bản đã lên tới con số 67, trong đó có 57 người trong nội địa Nhật Bản và 10 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu tại cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa. Tổng số ca nhiễm đã lên tới 2.608, trong đó có 1.896 ca trong nội địa và 712 ca trên du thuyền Diamond Princess. Nếu tính theo địa phương, Tokyo là địa phương có số lượng người nhiễm đông nhất với 430 trường hợp.
Chính quyền thành phố này kêu gọi người dân không ra đường sau khi hết giờ làm, trong bối cảnh giới chức y tế Tokyo nghi ngờ nhiều người lây nhiễm khi đi ăn ở ngoài vào buổi tối. Chỉ riêng trong hai ngày cuối tuần trước, thủ đô Tokyo đã có thêm hơn 130 trường hợp nhiễm mới.
Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ cho các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc chống cúm Avigan do nước này sản xuất để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết Avigan có hiệu quả trong việc chống lại virus SARS-CoV-2 trong các thử nghiệm lâm sàng. Avigan đang được một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học Y tế Fujita ở tỉnh Aichi thử nghiệm để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KCDC) đã ghi nhận 78 ca nhiễm mới, trong đó có 29 trường hợp từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 9.661 người. Số ca tử vong là 159 (thêm 7 trường hợp mới), chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 70) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 195, chiếm 54,1%. Thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang vẫn có số ca nhiễm bệnh chiếm 82% số ca nhiễm trên cả nước.
Nhằm quyết tâm dập dịch trước thềm lễ khai giảng năm học mới (dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới), Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường biện pháp dãn cách xã hội, hạn chế tối đa các hoạt động tập thể, sinh hoạt tôn giáo, các dịch vụ vui chơi giải trí... cho đến ngày 5/4.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ thực hiện lệnh cách ly bắt buộc hai tuần tại nhà hoặc cơ sở lưu trú do nhà nước chỉ định đối với tất cả hành khách nhập cảnh kể từ 0h ngày 1/4. Riêng đối với khách du lịch hoặc công tác ngắn ngày (do không có địa chỉ lưu trú cụ thể) sẽ được cách ly tại cơ sở lưu trú do nhà nước chỉ định.
Phát biểu với báo giới ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang-lip cho biết: “Người nước ngoài đang phải cách ly mà rời khỏi nơi ở không xin phép sẽ bị trục xuất ngay lập tức”./.