Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã khẳng định sẽ tiếp tục tiến trình giành chính quyền bất chấp những phản ứng từ phía chính phủ liên quan tới đòi hỏi buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố trước những người ủng hộ rằng toàn bộ Nội các của bà Yingluck hiện không còn giá trị hiệu lực. Bà Thủ tướng đã lấn át quyền lực của Nhà Vua và Hiến pháp vì không chịu rút lại dự thảo sử đổi hiến pháp đang được lưu ở Hoàng gia sau khi bà này tuyên bố giải tán quốc hội hôm đầu tuần.
Theo ông Suthep, với lý do này, Thái Lan hiện đang rơi vào khoảng trống quyền lực và do vậy cần phải có một thủ tướng được bổ nhiệm để bắt đầu tiến trình cải cách chính trị một cách toàn diện ở nước này.
Ông này kêu gọi người biểu tình tin vào những gì ông ta đặt ra đó là "một cuộc cách mạng nhân dân nhằm giành quyền lực từ chính phủ."
Ông Suthep còn đặt ra bốn yêu cầu và đòi phải thực hiện trong vòng 12 tiếng, gồm yêu cầu chỉ huy cảnh sát quốc gia ra rút các lực lượng cảnh sát đang được triển khai về doanh trại; người biểu tình sẽ có hành động pháp lý đối với bà Yingluck và các thành viên Nội các vì tội nổi loạn, vi phạm hiến pháp và bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp; yêu cầu quân đội bảo vệ an ninh cho các cơ sở của chính phủ; huy động người Thái theo dõi hoạt động của các thành viên trong gia đình Shinawatra cũng như các thành viên Nội các để ứng phó hòa bình, không bạo lực.
Các chuyên gia pháp lý của Chính phủ Thái Lan trước đó đã bác bỏ những yêu cầu của ông Suthep về việc bổ nhiệm một thủ tướng và thành lập một Hội đồng nhân dân.
Họ đã vận dụng chính điều khoản trong Hiến pháp (điều 3) mà ông Suthep đưa ra để giải thích rằng nó không cho phép bất cứ một tổ chức nhân dân nào thực hiện quyền tối cao của nhân dân. Nhà Vua sẽ thực hiện quyền này thông qua Quốc hội, Nội các và tòa án.
Nhóm này khẳng định bà Yingluck không thể từ chức Thủ tướng tạm quyền vì không điều khoản nào quy định như vậy và việc làm như thế là vi phạm pháp luật.
Thủ tướng và Nội các được Hiến pháp ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ cho tới khi có một chính phủ mới.
Nhóm này cũng tố cáo ông Suthep và các thủ lĩnh biểu tình khác vi phạm uy quyền của Nhà Vua Thái Lan bằng những hành động nổi loạn như muốn thành lập một chính phủ và một hội đồng nhân dân song song với thể chế hiện nay, đồng thời ra lệnh cho công nhân, viên chức tuân lệnh những người biểu tình thay cho việc tuân thủ chỉ thị của chính phủ.
Ông Suthep cũng đã từng nói nếu thủ tướng từ chức ông sẽ kêu gọi người biểu tình giải tán và ông này còn đe dọa nếu không làm như vậy thì người nhà gia đình Shinawatra sẽ không thể sống yên ổn trên đất Thái.
Ông Suthep cho rằng gia đình Shinawatra đang lừa dối người dân trên toàn quốc thông qua hệ thống bầu cử có tham nhũng. Ông Thaksin và bè cánh của ông ta có đủ tiền để làm cho cử tri hài lòng và họ sẽ vẫn chiến thắng trong các cuộc bầu cử, kể cả lần bầu cử sắp tới. Do vậy, việc bầu cử cần phải được thay thế bằng những biện pháp giám sát khác cho tới khi người dân được giáo dục để hiểu rõ hành động họ đang làm.
Hành động và phát ngôn của ông Suthep đã bị một số giảng viên và giáo sư Đại học Chulalongkorn cho là muốn đảo chính.
Những người này đã tổ chức một cuộc họp báo tại Khoa khoa học chính trị trong trường và tuyên bố rằng ông Suthep đang nhân danh người dân để thực hiện cuộc đảo chính và điều này có thể dẫn tới nội chiến.
Họ viện dẫn quy định của Hiến pháp rằng nếu bà Yingluck từ chức Thủ tướng tạm quyền, thì một người cấp phó của bà sẽ lên thay. Kể cả khi người này không thực hiện được thì một thành viên Nội các sẽ đảm nhiệm. Do vậy không thể xảy ra khả năng chỉ định hay bổ nhiệm một thủ tướng tạm quyền.
Ông Suthep, nguyên là Phó Thủ tướng dưới thời chính phủ Abhisit Vejjajiva. Ông này hiện là thành viên của đảng Dân chủ, nơi đại diện cho tầng lớp tinh hoa trong xã hội Thái Lan. Họ là tầng lớp chủ tư bản quyền lực có tiền của, các tướng lĩnh và cựu sỹ quan cấp cao trong quân đội, những người hoạch định chiến lược và không đội trời chung với tầng lớp trung lưu mà ông Thaksin là đại diện./.