Thái Lan thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học hỗ trợ ngành nông nghiệp

Vụ Kinh doanh Năng lượng Thái Lan hiện đang nghiên cứu cách thức triển khai kế hoạch bán xăng E20 trên toàn quốc, đồng thời cân nhắc xử lý tác động của việc đưa E20 trở thành loại xăng chính trên thị
Một trạm bơm xăng sinh học E20 tại Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Bộ Năng lượng Thái Lan đã đặt ra khung thời gian để chuyển đổi xăng sinh học E20 thành loại xăng chính được sử dụng rộng rãi vào năm tới, nhằm làm gia tăng giá trị của các loại cây trồng dùng trong sản xuất nhiên liệu sinh học.

Truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Sontirat Sontijirawong cho biết, nước này muốn các sản phẩm nông nghiệp như dầu cọ, đường và sắn có giá cao hơn khi được sử dụng vào sản xuất nhiên liệu sinh học. Xăng sinh học được làm từ sắn và đường với các tỷ lệ pha chế ethanol 10% (E10), 20% (E20) hoặc 85% với xăng không chì. Loại xăng E10 được bán thương mại tại Thái Lan từ năm 2008, sau đó vài năm là xăng E20 và E85.

Hiện có 5 loại xăng được bán thương mại ở Thái Lan, gồm xăng 91 E10, xăng 95 E10, xăng E20, xăng E85 và xăng ULG 95. Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu giảm xuống còn 3 hoặc 4 loại xăng bán thương mại trong tương lai. Vụ Kinh doanh Năng lượng Thái Lan hiện đang nghiên cứu cách thức triển khai kế hoạch bán xăng E20 trên toàn quốc, đồng thời cân nhắc xử lý tác động của việc đưa E20 trở thành loại xăng chính trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Sontirat, Bộ Năng lượng sẽ thảo luận về vấn đề trên với các doanh nghiệp và cơ quan hữu quan trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ, nhiên liệu sinh học và ôtô để chuẩn bị cho khả năng bán rộng rãi xăng E20.

Ngoài ra, vào năm 2020, nhiên liệu diesel chính ở Thái Lan sẽ đổi từ B7 sang loại B10 có nguồn gốc từ dầu cọ, với tỷ lệ pha chế 10% nhiên liệu sinh học và 90% diesel. B10 đã được bán tại một số cây xăng kể từ tháng 6 vừa qua với giá rẻ hơn B7 và chuẩn bị được bán rộng rãi trên toàn quốc.

Ông Sontirat cho biết, người dân đã bắt đầu ủng hộ đối với nhiên liệu sinh học nhằm hỗ trợ khu vực nông nghiệp khi mà giá cả thường trồi sụt. Theo tính toán, việc sản xuất xăng B10 sẽ tiêu thụ lượng dầu cọ dư thừa ở mức 2,2 triệu tấn mỗi năm, tương đương 66% tổng sản lượng, trong khi B7 tiêu thụ thụ 1,6-1,7 triệu tấn/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục