Ngày 21/12, tình hình dịch COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á và Nga đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới tại Thái Lan tăng lên cao, trong đó chủ yếu là các lao động nhập cư, trong khi số ca nhiễm mới tại Nga cũng lên mức cao chưa từng thấy.
Cụ thể, Thái Lan xác nhận thêm 382 ca mắc COVID-19, trong đó có 360 trường hợp là các lao động nhập cư người Myanmar có liên quan đến ổ dịch tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon gần thủ đô Bangkok. Như vậy, số ca lây nhiễm liên quan đến chợ hải sản này đã tăng lên 821 ca, trong đó hầu hết không biểu hiện triệu chứng.
Số lượng các ca mắc mới COVID-19 có nguồn gốc từ khu chợ hải sản ở tỉnh trên đang tăng lên trong bối cảnh nhà chức trách Thái Lan thực hiện nhiều xét nghiệm hơn đối với lao động nhập cư từ Myanmar.
Trước đó, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiatiphum Wongrajit nhận định số lượng các ca COVID-19 dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới khi có kết quả xét nghiệm đối với người lao động tại chợ hải sản nói trên.
Theo ông, nhà chức trách đang xét nghiệm 10.000 lao động người Myanmar và số lượng xét nghiệm sẽ tăng lên 40.000 nhằm khống chế sự bùng phát của dịch COVID-19 ở tỉnh Samut Sakhon.
Giới chức y tế Thái Lan cho rằng đợt bùng phát mới này xuất phát từ cộng đồng người Myanmar làm việc tại chợ hải sản - nơi chỉ có 10% lực lượng lao động là người Thái Lan, đồng thời hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong vòng 4 tuần, với điều kiện tỷ lệ lây nhiễm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Gần như toàn bộ tỉnh Samut Sakhon đang thực thi lệnh phong tỏa. Nhà chức trách địa phương đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau cùng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại từ ngày 19/12/2020 đến ngày 3/1/2021.
Các trường học, sân vận động phải tạm đóng cửa, trong khi các cửa hàng tiện lợi cũng tạm nghỉ trong thời gian giới nghiêm. Các nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn mang đi. Người dân ở tỉnh Samut Sakhon cũng không được phép ra khỏi tỉnh trong thời gian này và không có lao động nhập cư hoặc người nước ngoài nào được đến tỉnh này.
Ước tính, việc phong tỏa tỉnh Samut Sakhon do COVID-19 sẽ khiến tỉnh này thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ baht (khoảng hơn 33 triệu USD) mỗi ngày.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời khẳng định chính phủ chưa có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng hơn. Phát biểu với báo giới, ông cho biết chính phủ sẽ theo dõi tình hình trong vòng một tuần trước khi đưa ra biện pháp tiếp theo.
Trong khi đó, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) vừa thông báo hủy tất cả các sự kiện đếm ngược mừng Năm mới 2021 sau khi phát hiện các ca COVID-19 mới ở thủ đô và các tỉnh lân cận. Những sự kiện nếu muốn được tổ chức sẽ phải xin phép.
Ngoài ra, BMA cũng đang đề nghị người dân làm việc tại nhà trong vòng 14 ngày và các trường học cân nhắc đóng cửa từ ngày 22/12/2020 đến ngày 4/1/2021 để phòng tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19.
Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 5.289 ca, trong đó có 60 trường hợp không qua khỏi.
Thủ tướng Campuchia cung cấp khẩu trang cho các tỉnh giáp giới Thái Lan
Trước tình hình dịch bệnh tại Thái Lan, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Y tế nước này cung cấp thêm khẩu trang vải tới các tỉnh biên giới giáp Thái Lan. Theo đó, ba cửa khẩu chính với Thái Lan là O’ Smach, Daung và Poipet sẽ nhận được số lượng lớn khẩu trang phòng dịch và các tỉnh giáp biên Thái Lan sẽ chuẩn bị sẵn khẩu trang để phát cho lao động từ Thái Lan về nước.
[Thái Lan xét nghiệm hơn 10.000 người sau khi ghi nhận ổ dịch COVID-19]
Trước đó một ngày, Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ cấp 50 triệu riel (khoảng 12.500 USD/tỉnh cho bảy tỉnh của Campuchia giáp Thái Lan để giúp các địa phương này phòng, chống dịch COVID-19.
Ông cũng yêu cầu giới chức bảy tỉnh trên thắt chặt quy định 14 ngày cách ly đối với lao động từ Thái Lan trở về và địa điểm cách ly phải bố trí ở biên giới để ngăn lây lan dịch COVID-19.
Tỉnh Samut Sakhon của Thái Lan cách Campuchia khoảng 300km và Campuchia có bảy tỉnh giáp Thái Lan gồm Koh Kong, Pursat, Battambang, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Preah Vihear và Païlin.
Philippines tiếp nhận 30 triệu liều vắcxin của Novavax
Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết nước này dự kiến sẽ tiếp nhận 30 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Mỹ Novavax vào tháng 7/2021.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN Philippines, Ngoại trưởng Locsin nêu rõ: "30 triệu liều vắcxin của Novavax do Ấn Độ sản xuất đã được đảm bảo mà có thể không cần ứng trước tiền mặt. Vắcxin này sẽ được tung ra thị trường vào tháng 7/2021."
Ông cho biết đã nhận được thông tin này từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, và các điều khoản của hợp đồng cung ứng có thể được ký kết vào cuối năm nay.
Cũng theo quan chức này, các cuộc đàm phán để mua vắcxin phòng COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ), vốn đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp, sẽ được tiến hành trong tuần tới.
Mặc dù đã tham vấn với nhiều nhà sản xuất vắcxin, cho đến nay, Philippines mới chỉ ký một thỏa thuận cung ứng, với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, để có được 2,6 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca của Mỹ phát triển.
Nước này có kế hoạch mua 25 triệu liều vắcxin của công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc Sinovac bào chế với đơn hàng dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 3/2021, cũng như đang đặt mục tiêu mua từ 4-25 triệu liều vắcxin của hai công ty Moderna và Arcturus Therapeutics (đều của Mỹ).
Với 459.789 ca nhiễm và 8.947 ca tử vong, Philippines đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay
Cũng trong 24 giờ qua, Nga thông báo ghi nhận thêm 29.350 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 2.877.727 ca, trong đó có 51.351 trường hợp tử vong.
Hàn Quốc dành một phần ngân sách cho phát triển vắcxin
Ngày 21/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo chính phủ sẽ chi một phần ngân sách kỷ lục dành cho nghiên cứu khoa học cho năm tới để phát triển vắcxin ngừa bệnh COVID-19 và phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Chủ trì phiên họp thứ ba của Hội đồng Cố vấn tổng thống về khoa học và công nghệ, Tổng thống Moon Jae-in đã lưu ý rằng năm 2021 sẽ là "một năm đầy ý nghĩa" đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ của Hàn Quốc, với một dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) chung của chính phủ và khối tư nhân có tổng trị giá lần đầu tiên vượt 100.000 tỷ won (tương đương gần 91 tỷ USD). Trong đó, ngân sách của chính phủ dành cho các dự án R&D lên tới 27.400 tỷ won, cũng là mức cao kỷ lục.
Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh con số này phản ánh cam kết mạnh mẽ của chính phủ với khoa học và công nghệ cũng như mong muốn của người dân về tương lai.
Cũng theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, một số khoản tiền thuộc ngân sách trên sẽ dành cho việc phát triển các vắcxin và phương pháp điều trị bệnh COVID-19. Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ "tăng trưởng mang tính chất đổi mới" bằng cách xúc tiến các dự án xanh và kỹ thuật số trong khuôn khổ "Thỏa thuận mới," cũng như thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.
Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung đầu tư vào R&D của các doanh nghiệp dân sự, đồng thời kêu gọi "dứt khoát bãi bỏ các quy định" và ban hành nhiều ưu đãi khác nhau, bao gồm cắt giảm thuế và mở rộng mua sắm công.
Ông đề nghị các cơ quan hữu quan và giới khoa học quan tâm đến những vấn đề gắn liền với đời sống của người dân như biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm, bụi mịn, rác thải nhựa và ô nhiễm đại dương.
Tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố chi tiết kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Thỏa thuận mới," nhằm biến Hàn Quốc thành một nước dẫn đầu thế giới với nền kinh tế thải ít khí CO2. Đây cũng là một phần các nỗ lực của chính phủ nhằm sớm vượt qua cuộc khủng hoảng dịch tễ và chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu COVID-19, trong đó cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đóng vai trò dẫn dắt./.