Thái Nguyên: Không còn việc khai thác khoáng sản trái phép ở Đại Từ

Do làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nên các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ được xử lý, giải tỏa ngay từ khi mới xảy ra.

Do làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn nên hiện nay, các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ở Đại Từ (Thái Nguyên) đã cơ bản được kiểm soát và từng bước đi vào nề nếp.

Các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ được xử lý, giải tỏa ngay từ khi mới xảy ra. Trên địa bàn huyện không còn hiện tượng khai thác, khoáng sản trái phép.

Là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ hiện có 34 điểm mỏ của 23 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, thăm dò khoáng sản, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, hiếm, có trữ lượng lớn như vonfram, than, titan, cao lanh, thiếc, sắt, barit, đất sét... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm mỏ khoáng sản cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 48 lượt điểm mỏ khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh khoáng sản 16 vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Huyện cũng phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện ở Mỏ than Núi Hồng, Mỏ than Phấn Mễ, kiểm tra công tác khai thác khoáng sản mỏ Bismut Tây Núi Pháo, Mỏ than Minh Tiến-Na Mao...

[Phú Thọ: Ngang nhiên phá rào dây thép, khai thác cao lanh trái phép]

Huyện Đại Từ còn yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt tình hình về hoạt động khoáng sản của các đơn vị khoáng sản và các khu vực thường xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa các chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã với chủ tịch ủy ban nhân dân huyện trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Các xã trong huyện đều phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình quản lý khoáng sản giữa cấp xã với cấp huyện hàng tháng, báo cáo đột xuất các vụ việc phát sinh phức tạp, vượt thẩm quyền giữa cấp xã với cấp huyện và cấp tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời...

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, cho biết trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020; đồng thời, chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành về khoáng sản của huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình về các hoạt động khai thác khoáng sản và môi trường trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Huyện Đại Từ cũng kiến nghị tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xem xét không cấp phép khai thác cho nhiều doanh nghiệp trong cùng khu vực khai thác một loại khoáng sản, lựa chọn để cấp phép cho các đơn vị có đủ năng lực, uy tín, thiết bị kỹ thuật trong khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát, có biện pháp xử lý đối với các dự án đầu tư đã được chấp thuận, giấy phép khai thác khoáng sản đã quá thời hạn phải triển khai thực hiện nhưng chưa triển khai thực hiện để thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục