Mặc dù thế giới đã bước sang thế kỷ 21 với những tiến bộ vượt bậc về y học, nhưng những vấn đề liên quan đến thai sản vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nữ giới trong độ tuổi từ 15-19.
Trong thông điệp nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tới một thực tế đáng lo ngại, đó là quyền lợi của người phụ nữ trên khắp thế giới, trong đó có quyền tiếp cận những dịch vụ y tế cơ bản, đang bị tổn hại.
Nạn bạo hành nữ giới xuất phát từ quan niệm "trọng nam khinh nữ" lan tràn đã gióng lên những hồi chuông báo động.
Trong khi đó, dân số thế giới tiếp tục tăng theo xu hướng không đều giữa các khu vực. Tại phần lớn các nước kém phát triển, dân số tăng nhanh, kéo theo các vấn đề lớn đối với tăng trưởng bền vững và môi trường. Ngược lại, nhiều nước phát triển đứng trước thách thức dân số già hóa.
[Số trẻ sơ sinh ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục]
Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, đến năm 2050, có tới 68% dân số thế giới sẽ sống tại khu vực thành thị.
Theo Tổng thư ký Guterres, quản lý tốt vấn đề đô thị hóa sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Năm 1989, nhân sự kiện thế giới chào đón công dân thứ 5 tỷ vào ngày 11/7/1987, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lựa chọn ngày 11/7 hằng năm là Ngày Dân số thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề dân số.
Với chủ đề "25 năm sau ngày tổ chức Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu đã cam kết," Ngày Dân số thế giới năm nay nhắc nhở thế giới về các nhiệm vụ còn dang dở.
Tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển năm 1994, đại diện 179 chính phủ đã thừa nhận bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững./.