Trở về từ Trạm Vũ trụ Thiên Cung, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-15 của Trung Quốc cũng đưa theo nhiều mẫu vật thí nghiệm mới để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Theo nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc, các mẫu vật được chuyển tới cho các nhà khoa học thuộc hệ thống ứng dụng không gian để tiến hành nghiên cứu và khảo sát.
Hệ thống ứng dụng không gian, cùng với tàu vũ trụ Thần Châu-15 mới trở về, đã đưa về Trái Đất những mẫu thí nghiệm của tổng cộng 15 dự án khoa học.
Các mẫu vật có tổng khối lượng hơn 20kg sẽ được sử dụng trong các thí nghiệm về sự sống và thí nghiệm về vật chất.
Cụ thể, các nhà khoa học sẽ tiến hành các phân tích sinh học phân tử, sinh học tế bào, sinh trưởng trong quỹ đạo và phân tích trao đổi chất trên các mẫu trong thí nghiệm sự sống.
Trong khi đó, các mẫu thí nghiệm vật chất sẽ được kiểm tra và phân tích trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu các tính chất vật lý và biến đổi hóa học của vật chất vốn khó biết được trong môi trường trọng lực mặt đất.
Tàu vũ trụ Thần Châu-15 chở 3 phi hành gia đã trở về Trái Đất sáng 4/6 vừa qua sau 187 ngày làm việc trên quỹ đạo.
Thần Châu-15 là sứ mệnh bay vào vũ trụ thứ 10 của người Trung Quốc và cũng là sứ mệnh có người lái thứ 4 kể từ khi nước này bước vào giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ.
[Phi hành đoàn Thần Châu-15 của Trung Quốc đã trở về Trái Đất]
Thành công của sứ mệnh này đánh dấu việc Trung Quốc đã hoàn thành toàn bộ 12 nhiệm vụ phóng trong giai đoạn xây dựng và xác minh công nghệ chính của trạm vũ trụ.
Thay thế phi hành đoàn Thần Châu-15 tiếp quản các công việc trên trạm vũ trụ Thiên Cung là phi hành đoàn Thần Châu-16, đã được đưa lên quỹ đạo vào ngày 30/5.
Hai phi hành đoàn đã có thời gian bàn giao công việc trong khoảng 4 ngày trước khi Thần Châu-15 trở về Trái Đất.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một phi hành gia dân sự lên Thiên Cung, đó là anh Quế Hải Triều (36 tuổi), Giáo sư thuộc Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh. Anh Quế Hải Triều có nhiệm vụ tiến hành những thí nghiệm quy mô lớn trên quỹ đạo.
Theo CMSA, sẽ mất khoảng 6 tháng để các phi hành gia vừa trở về lấy lại tình trạng thể chất bình thường và gần 2 năm sau đó, họ mới có thể thực hiện sứ mệnh không gian khác.
Trung Quốc đã tận dụng tối đa các sứ mệnh du hành liên quan dự án xây dựng Trạm Vũ trụ Thiên Cung của nước này để triển khai các thí nghiệm nhân giống trong không gian.
Hai tàu vũ trụ Thần Châu-14 và Thần Châu-15 đã đưa hơn 1.300 hạt giống cây trồng và các chủng vi sinh vật từ 112 đối tác, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu và trạm nhân giống của Trung Quốc, vào không gian để tiến hành thí nghiệm nhân giống trên trạm trạm vũ trụ.
Trong số các loại hạt giống nói trên có những loại lương thực chính như gạo, lúa mỳ và khoai tây, các loại trái cây và rau phổ biến, cỏ làm thức ăn gia súc và các thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe cũng có tên trong danh sách thử nghiệm.
Việc nhân giống trong không gian có nghĩa là phơi bày các hạt giống và các chủng vi sinh vật trước bức xạ vũ trụ và vi trọng lực trong một sứ mệnh du hành vũ trụ nhằm biến đổi gene của chúng.
Trong thời gian từ ngày 29/7-25/11/2022, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã hoàn tất các thí nghiệm về tăng trưởng vòng đời 120 ngày của cây lúa trên trạm vũ trụ.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới một thí nghiệm kiểu này được triển khai./.