Thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua lời kể của thanh thiếu niên

Thông qua hình thức trò chuyện giữa các bạn học sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện một cách thú vị, giúp độc giả nhiều độ tuổi, thế hệ đều dễ dàng tiếp cận.
Thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua lời kể của thanh thiếu niên ảnh 1Cuốn sách tái hiện cuộc đời Bác bằng văn phong gần gũi với thiếu nhi. (Ảnh: NXB Trẻ)

Nhân kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022), Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tác phẩm “Học sinh kể chuyện Bác Hồ” của cố nhà văn Thy Ngọc (1925-2012).

Lúc sinh thời, nhà văn Thy Ngọc cho rằng: "Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn."

Tác giả đã lồng ghép những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua từng giai đoạn lịch sử theo lối diễn đạt của thanh thiếu niên. Điểm độc đáo trong tác phẩm này là thông qua hình thức trò chuyện giữa các bạn học sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện một cách thú vị, giúp độc giả nhiều độ tuổi, thế hệ đều dễ dàng ôn lại và tìm hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu.

[Cuộc thi giới thiệu sách về Bác: Niềm tin yêu qua từng trang sách]

Tác phẩm gồm có 7 phần, bao gồm những câu chuyện từ thời niên thiếu của Bác cho đến khi Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp qua lời kể của các bạn học sinh tên là Thủy, Sơn, Hòa và Huỳnh.

Các phần trong quyển sách gồm: “Thời niên thiếu của Bác Hồ, những người thân trong gia đình Bác,” “Những năm học quan trọng, những ngày trăn trở,” “Bác ra đi tìm đường cứu nước,” “Những năm tháng Bác ở nước ngoài,” “Bác Hồ về nước, Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến,” “Tuổi trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước,” và “Tên, bí danh, bút danh, cùng những sáng tác thơ văn của Bác”./.

Trích đoạn:

Hai anh em Tất Thành có ưu thế về chữ Hán. Còn chữ Pháp thì dĩ nhiên họ khó mà giỏi hơn các bạn con những quan to hay công chức của Pháp.

Tuy vậy, vốn thông minh, lanh lợi, khi thầy giáo bảo cả lớp dịch câu tiếng Pháp: “Ô chat! Ô chat! Ô chat! Voulez-vous manger le rat, montez sur la poutre” (Ý là: Này mèo, này mèo, này mèo, muốn ăn chuột thì trèo lên xà nhà). Tất Thành đã sử dụng vốn dân ca của quê hương phường vải dịch thành câu lục bát như sau:

Con mèo! Con mẻo! Con meo!

Mày muốn chén chuột thì leo lên xà.

Vần điệu rất đúng mà ý rất hóm hỉnh qua việc dùng dấu cho mấy chữ “mèo, mẻo, meo” chứ không để nguyên một từ “mèo” là “chat” của tiếng Pháp.

Học hết giờ ở lớp, Tất Thành còn chịu khó tới nhà thầy xin học thêm tiếng Pháp. Kỳ thi tốt nghiệp niên khóa 1906-1907, Tất Thành là một trong những thí sinh có điểm cao.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục