Giá vàng thế giới giảm trong tuần qua, nhưng lại ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh giới đầu tư tìm đến vàng và các loại tài sản an toàn khác trong tháng Tám, khi những căng thẳng thương mại đã làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá vàng thế giới trong phiên đầu tuần đã leo lên mức “đỉnh” của hơn sáu năm, vượt mức 1.550 USD/ounce vào đầu phiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm “tài sản an toàn” trước một loạt bất ổn, như căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và triển vọng mong manh của kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Mỹ thông báo tăng thêm thuế đối với lượng hàng hóa giá trị 250 tỷ USD của Trung Quốc từ 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới, cũng như tăng mức thuế dự kiến áp lên lượng hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 15%, sau khi Trung Quốc công bố mức thuế “trả đũa” lên lượng hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD nhập từ Mỹ. Trong khi đó, vàng vốn được coi là “tài sản an toàn” trong thời kỳ bất ổn toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm các thị trường “chao đảo” trong hơn một năm qua và làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Số liệu cho thấy lượng đơn hàng mới đối với tư liệu sản xuất từ Mỹ trong tháng Bảy tăng nhẹ, trong khi xuất khẩu giảm mạnh nhất trong gần ba năm qua, qua đó cho thấy tình trạng yếu kém trong đầu tư kinh doanh vẫn tiếp diễn trong quý 3/2019. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 23/8 cho biết cơ quan này sẽ “hành động thích hợp” để duy trì đà tăng hiện nay của nền kinh tế.
Bước sang phiên giao dịch ngày 27/8, giá vàng thế giới tiếp tục tăng hơn 1% do nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái sau khi Mỹ công bố các số liệu kinh tế thiếu lạc quan. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng Tám và giá nhà tăng với tốc độ gần chậm nhất trong bảy năm qua. Trong khi đó, đường cong lợi suất đảo ngược được coi là tín hiệu của suy thoái kinh tế, khiến nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến thị trường vàng như một kênh đầu tư an toàn.
[Tăng chậm hơn thế giới, chênh lệch vàng nội-ngoại lên hơn 400.000 đồng]
Trước đó, phát biểu ngày 26/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hàm ý về khả năng hòa giải với Trung Quốc, từ đó trấn an những lo ngại về sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Trump mở ra khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và cho biết ông tin rằng Bắc Kinh thực sự mong muốn đạt được đồng thuận với Washington. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh từ chối xác nhận bình luận trên đã tác động xấu đến thị trường.
Sau hai phiên tăng mạnh trước đó, giá vàng đi xuống trong phiên giao dịch 28/8, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư tiến hành bán ra chốt lời. Dù vậy, sự bất ổn xoay quanh cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm là những nhân tố "giữ" vàng gần mức đỉnh trong nhiều năm.
David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho rằng thị trường không nhận thêm được bất kỳ thông tin gây căng thẳng nào, sau nhiều diễn biến trong những phiên gần đây như cuộc chiến thương mại và mối lo ngại về tình hình kinh tế. Thêm vào đó, sự tăng giá của đồng bạc xanh cũng gây áp lực lên vàng. Đồng USD đã tăng 0,2%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures, cho rằng đà giảm của giá vàng sẽ không kéo dài, khi kim loại quý này vẫn tỏ ra hấp dẫn người mua, trước diễn biến của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các chuyên gia cho biết môi trường lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí nắm giữ vàng, đồng thời gây sức ép đối với đồng USD, khiến giá vàng thấp hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Trong phiên 29/8, chứng khoán Mỹ phục hồi và đồng USD tiếp tục mạnh lên đã gây áp lực lên giá vàng. Trên phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng hơn 300 điểm trong phiên 29/8, chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng mạnh. Khi thị trường chứng khoán lên điểm mạnh, các nhà đầu tư thường rời bỏ vàng để tìm đến các tài sản rủi ro. Vàng cũng chịu thêm sức ép từ việc đồng USD lên giá. Chỉ số USD, đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền mạnh khác, tăng 0,29%, lên 98,5 điểm, trước khi thị trường vàng chốt phiên.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên cuối tuần, khi chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi nhẹ. Nhưng tính chung cả tháng Tám, giá vàng lại tăng tháng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn xung quanh mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giới đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn.
Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng 12/2019 giảm 7,5 USD, hay 0,5%, xuống còn 1.529,40 USD/ounce, đánh dấu mức giảm 0,5% cho cả tuần qua, nhưng lại tăng 6,3% trong tháng Tám, theo số liệu của FactSet.
Suki Cooper, Chuyên gia phân tích về kim loại quý của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng ở thời điểm này, thị trường vàng đang tập trung vào tác động đối với tăng trưởng toàn cầu và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước.
Bộ trưởng thương mại Trung Quốc ngày 29/8 cho biết hai bên đang thảo luận về vòng đàm phán tiếp theo vào tháng Chín tới. Dấu hiệu tích cực này đã giúp các thị trường chứng khoán khởi sắc và hạn chế đà tăng của giá vàng.
Sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã góp phần giúp giá vàng tăng hơn 100 USD trong tháng Tám.
Bên cạnh đó, sự đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ trong thời gian gần đây cũng khiến giới đầu tư hoang mang vì đây được xem là dấu hiệu cho một đợt suy thoái đang đến gần. Trong khi đó, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ hạ lãi suất trong tháng tới để kích thích tăng trưởng kinh tế./.