Theo rà soát của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, nếu tính theo định mức Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, tỉnh đang thiếu khoảng 16.000 giáo viên; nếu tính theo định mức của tỉnh, thiếu khoảng 9.000 giáo viên ở cả 3 cấp học.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển dụng khoảng 10.000 biên chế giáo viên các cấp thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 11 huyện, thị xã, thành phố xây dựng xong kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm 2021 và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận, phê duyệt.
Đến tháng 11/2021 sẽ có khoảng 1.000 giáo viên ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được tuyển dụng ở 11 huyện, thị xã. Trong đó, một số địa phương có số lượng giáo viên thiếu hụt nhiều, đặc biệt là ở các huyện miền núi đã được quan tâm và được bổ sung kịp thời biên chế trong năm 2021.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận kế hoạch tuyển dụng 202 giáo viên trong năm 2021 cho huyện Thạch Thành; huyện Hậu Lộc được bổ sung 118 biên chế; huyện Như Xuân được 93 giáo viên; huyện Bá Thước 86 giáo viên; huyện Cẩm Thủy 85 giáo viên…
[Giáo viên tăng cường phối hợp với phụ huynh trong học trực tuyến]
Hiện, vẫn còn 5 huyện, thị xã, thành phố gồm Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân đã xây dựng xong kế hoạch tuyển dụng và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt cho gần 500 biên chế giáo viên ở cả ba cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Đối với bậc trung học phổ thông, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện trên địa bàn tỉnh còn thiếu 336 giáo viên đứng lớp.
Theo dự báo thời gian tới, số lượng học sinh không ngừng tăng thêm, số lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu tương đối nhiều, để kịp thời giải quyết bài toán thiếu giáo viên, năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, chấp thuận về việc tuyển dụng giáo viên ở cấp trung học phổ thông. Theo đó, đợt này sẽ có 200 giáo viên bậc Trung học Phổ thông được tuyển dụng.
Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, quan điểm của ngành về việc tuyển dụng viên chức giáo viên bổ sung cho các địa phương còn thiếu là sẽ ưu tiên các địa phương thuộc khu vực miền núi, bãi ngang, vùng khó khăn, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại những khu vực này.
Bên cạnh đó, ngành tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, trao quyền tự chủ cho các trường, địa phương thiếu nhiều giáo viên tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để ký hợp đồng đối với các vị trí việc làm là giáo viên để đảm bảo mục tiêu “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.”
Trước thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, các địa phương trong tỉnh đang điều chỉnh giáo viên dạy thêm giờ, đồng thời tìm nguồn để tuyển hợp đồng. Bên cạnh đó, các huyện đang đề nghị tỉnh cho cơ chế để trả lương cho giáo viên hợp đồng...
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát sửa đổi định mức giáo viên/lớp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng phù hợp…/.